Du lịch Huế

Thời gian qua có nhiều bạn nhắn tin nhờ mình lên giúp chương trình du lịch Huế, mà mình thì thời gian hạn hẹp nên cũng khó đáp ứng ngay nhu cầu của các bạn. Thực ra, nếu nắm được một số điểm cơ bản, các bạn hoàn toàn có thể tự xây dựng chương trình theo ý thích riêng của bản thân. Mình viết bài này để giúp các bạn khám phá thêm các vẻ đẹp của Huế, chứ không chỉ gói gọn trong những cuộc viếng thăm đền chùa, di tích như các tour du lịch vẫn thường làm.

Nhìn chung, Huế có những nét đẹp sau cần khám phá (ở đây mình chỉ nêu những điểm chính được nhiều người tham quan, bỏ qua những điểm không cần thiết):

*Thiên nhiên: sông Hương, núi Ngự, nhà vườn, hồ sen, suối nước nóng Thanh Tân, hồ Truồi, suối Voi, thác Nhị Hồ, phá Tam Giang, biển Thuận An, biển Lăng Cô, đầm Lập An, biển Cảnh Dương, biển Tư Dung, núi Bạch Mã...

*Di tích lịch sử: Đại Nội, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng...

*Đền chùa: chùa Thiên Mụ, chùa Huyền Không (Sơn Hạ và Sơn Thượng), chùa Từ Hiếu, chùa Phước Sơn, điện Hòn Chén, điện Huyền Trân Công Chúa...

*Ẩm thực: Bánh Huế, bún bò, bánh canh, bánh ướt/bún thịt nướng, bánh khoái, chè, cơm hến, cơm chay, vả trộn, nhà hàng vườn, cơm cung đình, hải sản, cafe...

*Làng nghề: làng đúc đồng Phường Đúc, làng gốm Phước Tích, làng nón Phú Cam, làng thêu Thuận Lộc, làng hoa giấy Thanh Tiên, làng hương trầm...

Để chuyến đi được thuận tiện, các bạn nên chọn ra những điểm mình thích và kết hợp theo tuyến đường để tiết kiệm thời gian, công sức và cả tiền bạc nữa. Sau đây mình sẽ giới thiệu các tuyến tham quan chính của Huế có kết hợp những điểm đặc sắc đã nêu trên, tạm lấy chân cầu Trường Tiền ở bờ Nam Sông Hương là điểm trung tâm thành phố để mọi người dễ hình dung.

TUYẾN THAM QUAN BẮC SÔNG HƯƠNG

Đại Nội: Bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, cách trung tâm TP 2km. Bạn có thể hóa trang thành vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa và ngồi lên ngai chụp hình lưu niệm. Nếu đến Đại Nội vào dịp tháng 3-4, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp quý phái của cây ngô đồng vốn là bản sắc xứ Huế. Nếu đến vào dịp tháng 6-7, các hồ nước bao quanh Hoàng Thành sẽ nở rộ hoa sen. Cuối tuần, vào khoảng 5h chiều thường có thả diều ở sân Cột Cờ trước Đại Nội. Đại Nội cũng tổ chức lễ hội đêm Hoàng Cung vào các tối thứ 7 hàng tuần hoặc ngày lễ, cho vào cửa miễn phí. Giá vé tham quan thông thường ban ngày là 35.000/người, miễn phí ngày 2/9 và 26/3 (giải phóng Huế). Có thể tham quan Đại Nội bằng các phương tiện: xe hơi, xe máy, xích lô, xe đạp (du khách Tây rất thích thuê xe đạp để loanh quanh trong khu Thành Nội, dưới những con đường rợp bóng cây xanh). Nên dành 2-3 tiếng để tham quan Đại Nội.

Đại Nội trầm mặc trong bóng chiều

Nhà vườn: Huế là thành phố vườn, có rất nhiều nhà vườn đẹp, tươi xanh và cổ kính tập trung ở những vùng như Kim Long, Vỹ Dạ, Nam Giao... Nổi tiếng nhất là nhà vườn An Hiên và Phú Mộng, nằm ở vùng đất Kim Long, cách trung tâm TP 4km. Trong khu Phú Mộng còn có nhiều nhà hàng vườn phục vụ nhu cầu ăn uống.

Ancient House - khu nhà vườn Phú Mộng

Chùa Thiên Mụ: Nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, chùa Thiên Mụ lọt giữa một không giantĩnh lặng đầy hoa lá, phía sau là rừng thông reo vi vút. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Huế, cách trung tâm TP 5km. Biểu tượng nổi tiếng nhất của chùa Thiên Mụ là tòa tháp Phước Duyên cao 7 tầng. Có thể đến chùa bằng đường bộ hoặc đường thủy (đi thuyền trên sông Hương). Thời gian đẹp nhất để viếng chùa là khoảng 5h chiều, vừa cảm nhận được khung cảnh thanh bình trong sân chùa vừa đón hoàng hôn bên sông Hương. Nên dành 30 phút đến 1 tiếng để viếng chùa.

Chùa Thiên Mụ nhìn từ sông Hương

Chùa Huyền Không Sơn Thượng: Đây là ngôi chùa thi pháp nằm trên núi, cách trung tâm TP 11km, có phong cảnh thiên nhiên rất đẹp. Để đến chùa, bạn sẽ đi qua những cánh đồng lúa chạy dài ven chân núi (gặp đúng mùa lúa chín thì tuyệt), qua một khu rừng nhỏ gọi là "Vạn Tùng Sơn". Trong chùa có rất nhiều dòng thư pháp đề thơ trên đá với nét bút tài hoa của nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh, ngay cả nội quy và những lời căn dặn nhẹ nhàng dành cho khách viếng chùa cũng bằng thơ. Chùa rất đẹp với không gian đầy hoa lá, núi non, hồ hoa súng... Bạn nên dành khoảng 1 tiếng để viếng chùa và tìm hiểu nghệ thuật thư pháp. Thời gian đẹp nhất để viếng chùa là buổi sáng, tiết xuân hè. Có thể đến đây bằng xe hơi hoặc xe máy, tuy nhiên, bạn nào đam mê nhiếp ảnh thì đi xe máy hợp hơn vì đường đến chùa có khá nhiều cảnh thiên nhiên đẹp.

Một cảnh trong chùa Huyền Không Sơn Thượng

Suối khoáng Thanh Tân: Đây là khu du lịch suối nước nóng nằm ven núi, cách trung tâm TP khoảng 30km, có phong cảnh thiên nhiên khá đẹp, phù hợp cho mọi đối tượng: trẻ em, thanh niên, trung niên, người già. Khu suối khoáng Thanh Tân có suối nước nóng, hồ nước nóng, hồ tạo mưa, hồ trượt, hồ massage, hồ sóng biển… và các dịch vụ massage hương liệu. Đi bộ thêm khoảng 800m còn có dòng suối nước lạnh trong vắt nằm giữa núi rừng. Bạn nên dành ít nhất 1 buổi để đi Thanh Tân, nếu có thời gian thì nên đi nguyên ngày và thậm chí có thể ở qua đêm, tắm suối nóng buổi tối. Có thể đến đây bằng xe hơi hoặc xe máy.

Suối khoáng giữa núi rừng
Đồng hoa bên suối

Ẩm thực: Bánh khoái Đinh Tiên Hoàng, cơm cung đình, nhà hàng vườn (khu Phú Mộng), bánh ướt và bún thịt nướng Kim Long.

Địa chỉ tiêu biểu:
- Bánh khoái Hồng Mai: 65 Nguyễn Biểu (ngã tư Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Biểu
- Bánh ướt/bún thịt nướng Huyền Anh: 207 Kim Long
- Nhà hàng Thảo Trang Viên, Huế Xưa, Vườn Ngự Hà

TUYẾN THAM QUAN LĂNG TẨM - NAM SÔNG HƯƠNG

Chùa Từ Hiếu: Từ Hiếu là một ngôi chùa cổ ở thành phố Huế, ẩn mình giữa đồi thông xanh mát rì rào tiếng gió, cách khu trung tâm khoảng 5km. Trong chùa có khu lăng tẩm của các thái giám triều Nguyễn và xung quanh chùa là nơi chôn cất các phi tần. Chùa luôn trầm mặc cổ kính với những sân rêu và bóng cây cổ thụ in dấu thời gian.

Bạn chỉ cần dành 30 phút để viếng chùa trên đường đi tham quan lăng tẩm.

Hồ bán nguyệt xanh rêu

Đồi Vọng Cảnh: Đúng như tên gọi, mảnh đồi này chỉ là nơi đến để thưởng ngoạn cảnh sông núi mà thôi. Sông Hương êm ả uốn khúc dưới chân núi Ngự, hàng thông xanh soi bóng nước rì rào, mây trắng vờn trên đỉnh núi sà xuống cả dòng sông.Ở đây hội tụ đủ nét hài hòa của đất trời, sông núi, của hương thơm hoa rừng và chút nắng gió trong trẻo nhẹ nhàng, mát như giọt sương mai. Đứng bên đồi Vọng Cảnh là lại nghĩ đến câu thơ của Bùi Giáng:

"Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương."

Đồi Vọng Cảnh cách trung tâm TP khoảng 6km. Bạn chỉ cần dành 15 phút để "vọng cảnh" trên đường đi tham quan lăng tẩm.

Sông Hương bên đồi Vọng Cảnh

Lăng Tự Đức: Lăng Tự Đức cách trung tâm thành phố 7km, có không gian thoáng rộng, phong cảnh hữu tình với những đồi thông lãng mạn và những hồ sen tỏa ngát hương vào mỗi dịp hè. Kiến trúc lăng giản dị, gần gũi với thiên nhiên, phản ánh tâm hồn thi sĩ của vua Tự Đức. Bạn có thể đến đây bằng xe hơi, xe máy và nên dành 30 phút - 1 tiếng để tham quan. Nơi đây cũng phù hợp cho các chuyến dã ngoại.

Một góc lăng Tự Đức

Điện Huyền Trân Công Chúa: Điện thờ Huyền Trân cách khu trung tâm khoảng 8km, nằm dưới chân núi Ngũ Phong. Chính điện và tượng công chúa nằm lọt thỏm giữa một đồi thông vi vút gió ngàn, xung quanh là cảnh lá hoa. Một bức tượng Phật Di Lặc khá to nằm trước lối đi lên tháp chuông Hòa Bình ở đỉnh núi Ngũ Phong. Sau điện công chúa còn có đền thờ vua Trần Nhân Tông và đôi rồng dài nhất Việt Nam.

Bạn có thể dành khoảng 1 tiếng để tham quan điện Huyền Trân Công Chúa, nhưng đã đến đây thì nên leo các bậc đá lên đỉnh Ngũ Phong đánh chuông hòa bình, coi như góp một lời nguyện cầu hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại. Từ tháp chuông nhìn xuống toàn cảnh xung quanh: mây trời bát ngát, rừng núi mênh mông, những dãy phố nằm dài lặng lẽ và gió lồng lộng thổi... sẽ có cảm giác rất thanh bình.

Lăng Khải Định: Lăng Khải Định nằm cách trung tâm TP 9km, là một công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng trong 11 năm với sự giao thoa văn hóa Đông Tây, kết hợp hài hòa giữa các trường phái kiến trúc Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique... Nội thất trong lăng được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh rất tinh xảo. Đặc biệt, trần nhà với bức bích họa "Cửu long ẩn vân" được bình chọn là 1 trong 10 công trình kiến trúc có trần nhà đẹp nhất thế giới. Bạn có thể đến đây bằng xe hơi, xe máy và nên dành 30 phút để tham quan.

Chính điện lăng Khải Định

Ẩm thực: Tuyến tham quan phía Tây có khá nhiều nhà hàng vườn, nổi bật nhất có lẽ là Chân Đồi ở Nam Giao và Thảo Nhi Biệt Phủ ở đường đi lăng Khải Định. Chân Đồi có phong cảnh thiên nhiên thanh bình, dân dã, thơ mộng còn Thảo Nhi sang trọng và cổ kính hơn. Những món ăn ở đây khá ngon, tiêu biểu là các món gà kiến, vả trộn, nấm mối... Nếu bạn muốn ăn thịt rừng vừa ngon vừa rẻ, có thể đến nhà hàng Ngọc Linh gần lăng Khải Định, nhưng cảnh trí không đẹp bằng.

Ở tuyến đường này cũng có nhiều quán cafe, trà thất đẹp đậm đà phong cách Huế, như Nam Giao Hoài Cổ trên đường Điện Biên Phủ, Trà đình Vũ Di ở gần đồi Thiên An.

TUYẾN THAM QUAN THUẬN AN - TAM GIANG

Biển Thuận An: Tuy không đẹp như các bãi biển Lăng Cô, Cảnh Dương... nhưng Thuận An vẫn được là điểm đến của nhiều người yêu biển do chỉ cách trung tâm TP 12km, đường đi thuận tiện và đẹp lãng mạn với dòng kênh xanh, vườn cây, đồng lúa, phá Tam Giang… ở hai bên đường. Thuận An có bãi cát vàng, vào những đêm rằm trăng soi trên biển cứ óng ánh như dát vàng vậy.

Bạn có thể đi Thuận An bằng xe hơi hoặc xe máy. Do gần TP nên có thể đi vào buổi chiều mát, tắm biển và ăn hải sản xong đến tối về uống cafe.

Chiều Thuận An với đôi ngựa tâm tình bên bờ biển

Phá Tam Giang - Rú Chá: Phá Tam Giang là một vùng nước lợ trù phú với diện tích hơn 50km2, thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng gần 250km2 trải dọc tỉnh Thừa Thiên Huế, không chỉ là vùng đầm phá tiêu biểu của Việt Nam mà còn là vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Tam Giang có nghĩa là ba sông, tức là nơi ba con sông đổ vào (sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu) và tiếp giáp với biển. Do đặc điểm địa hình, khí hậu và môi trường nước lợ tự nhiên mà thủy hải sản nuôi ở đây rất ngon.

Phá Tam Giang nhìn từ chùa Phước Sơn

Điểm đặc biệt của đầm phá xứ Huế là nước rất trong xanh, lại có núi bao quanh nên phong cảnh hữu tình. Buổi chiều ngồi trên thuyền của ngư dân đi câu thủy sản nướng ăn tại chỗ và ngắm hoàng hôn trên phá thì tuyệt vời.

Rú Chá là rừng ngập mặn ven phá. Bạn có thể ra cảng Thuận An, thuê thuyền (nên có ngư dân lái và dẫn đường) đi khám phá rừng ngập mặn, làng Thái Dương, đánh bắt hải sản và đón hoàng hôn.

Thành phố lăng: "Thành phố lăng" là cách gọi của báo chí, còn dân thường vẫn hay nói nôm na là “thành phố ma” hay "thành phố chết". Đây là khu nghĩa trang xa xỉ nhất nước với hàng ngàn ngôi mộ xây dựng công phu, giá bét thì vài trăm triệu, cao thì mấy tỉ, có cái xây đến 2,5 năm mới xong. Báo chí viết nhiều về nơi này vì sự lãng phí đua đòi nhưng nó vẫn thu hút nhiều người hiếu kỳ đến xem. Nói là mộ, nhưng thực chất mỗi ngôi mộ là một dạng "cung điện nhỏ" với diện tích khoảng bằng một căn biệt thự, được chạm trổ rất tinh xảo và đúc kiên cố bằng móng đá. Mỗi cột, vách... đều là những bức bích họa ghép bằng gốm sứ.

Một lăng mộ trong thành phố lăng

Ẩm thực: Thủy sản vùng đầm phá Tam Giang ngon có tiếng, vì vậy đừng bỏ qua một đêm lênh đênh trên phá theo dân chài đi câu thủy sản nướng ăn tại chỗ, hoặc có thể vào các quán hải sản vùng biển Thuận An, đồ ăn rất ngon và rẻ.

Các đặc sản hến và bắp vùng Cồn cũng là những món ăn ngon và rẻ trên tuyến đường đi biển. Có thể ăn cơm hến, bún hến, hến xào, chè bắp... ở Cồn Hến hoặc đường Hàn Mạc Tử.

TUYẾN THAM QUAN LĂNG CÔ - BẠCH MÃ - SUỐI VOI

Hồ Truồi - Thác Nhị Hồ: Hồ Truồi ở Huế - nước xanh đến mức không thể xanh hơn, trong đến mức không thể trong hơn, và đẹp đến lạ kỳ bởi sự kết hợp sơn thủy hài hòa. Đến Hồ Truồi, ngoài việc tham quan thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, bạn có thể thuê thuyền lênh đênh trên hồ, đi sâu vào thác Nhị Hồ. Gọi là thác Nhị Hồ vì thác nước chảy xuống tạo thành 2 cái hồ nước trong leo lẻo. Sau khi tắm mát, bạn có thể ăn gà rừng, cá nướng... Bạn nên dành ít nhất một buổi để khám phá hồ Truồi và thác Nhị Hồ.

Hồ Truồi nhìn từ thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã: Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là một ngôi chùa thuộc phái Trúc Lâm Yên Tử, tọa lạc trên một ngọn đồi của vùng núi rừng Bạch Mã, phía trước là hồ Truồi nước xanh như ngọc. Thiền viện cách trung tâm TP khoảng 30km, bạn có thể ghé chơi khoảng 45 phút trên đường đi Lăng Cô - Bạch Mã. Sau khi đi thuyền hoặc phà khoảng 10 phút qua hồ, bạn sẽ leo 172 bậc tam cấp lên cổng Tam Quan, từ đây nhìn xuống thấy cảnh nước non đẹp chẳng khác nào một bức tranh thủy mặc.

Đường lên cổng Tam Quan

Chùa Phước Sơn: Phước Sơn là một ngôi chùa sư nữ nằm trên một ngọn đồi nhìn ra phá Tam Giang. Chùa cách trung tâm TP khoảng 30km, bạn có thể ghé chơi khoảng 45 phút trên đường đi Lăng Cô - Bạch Mã - Suối Voi. Chùa có phong cảnh thiên nhiên đẹp: trong khuôn viên chùa là những vườn hoa lá hữu tình, từ cổng chùa, sân sau chùa nhìn ra một vùng núi non kỳ vĩ, mây trắng bao quanh, phía dưới là những cánh đồng lúa trải dài và phá Tam Giang trong xanh như biển. Đây là nơi lý tưởng để chụp ảnh.

Suối Voi: Suối Voi là dòng suối mát lạnh như nước đá, nằm gần khu vực biển Lăng Cô và núi Bạch Mã, cách trung tâm TP khoảng 50km. Sở dĩ mang tên này là vì suối có những khối đá mang hình thù giống như voi - những bầy voi đá đang trầm mình dưới nước. Đoạn suối chính còn có một tảng đá lớn bên bờ hình thù giống một con voi đang vươn vòi ra suối uống nước. Suối Voi mang vẻ đẹp của núi rừng - với dòng suối trong vắt từ thác đổ xuống, len lỏi giữa muôn vàn tảng đá lớn nhỏ và ẩn mình dưới bóng cây xanh của rừng nguyên sinh.

Mát lạnh suối rừng

Hiếm ai tắm suối vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, bởi lúc ấy nước khá lạnh. Thời gian thích hợp nhất để tắm là 10h sáng đến 2h chiều. Bạn đừng lo nắng vì những tán lá rừng chính là mái che thiên nhiên cho bạn. Đến đây, bạn có thể tận hưởng ba điều thú vị: chơi rừng, tắm suối và ăn thịt gà rừng, cá - ốc nướng...

Bạch Mã: Bạch Mã là một trong những vùng hiếm hoi có khí hậu ôn đới ở Việt Nam, và là nơi tổng hòa vẻ đẹp thiên nhiên: mây, núi, biển, hồ, thác, suối… Núi Bạch Mã cách trung tâm TP khoảng 40km, có vườn quốc gia với nhiều động thực vật quý hiếm và gần chục thác nước, các sườn núi luôn chìm trong mây. Để khám phá hết những địa danh chính của Bạch Mã như Hải Vọng Đài, Ngũ Hồ, rừng lan, thác Trượt, thác Đỗ Quyên, thác Trĩ Sao, thác Bạc, thác Mơ, thác Bạch Trì, thác Phướn... phải đi khoảng 2 ngày, tuy nhiên thông thường thì bạn chỉ nên đi 1 ngày để xem các điểm tiêu biểu mà thôi, bởi vì đi Bạch Mã tuy thú vị nhưng cũng rất mệt. Hải Vọng Đài là đài quan sát trên đỉnh núi để nhìn xuống biển. Ngũ Hồ là nơi có thác nước cùng năm chiếc hồ nhỏ quy tụ lại một điểm. Rừng lan là một dải rừng đủ loại hoa lan thường khoe sắc vào mùa xuân (dịp này trên Bạch Mã hoa anh đào cũng nở rất đẹp). Thác Bạc có những khối đá bàng bạc sáng rực dưới ánh nắng. Thác Đỗ Quyên vừa mang vẻ kỳ vĩ với một thác nước lớn cao hơn 300m vừa có nét thơ mộng của hoa đỗ quyên đỏ nở rộ như thảm nhung ở hai bên vào mùa xuân...

Từ Hải Vọng Đài nhìn xuống

Bạn nên đi Bạch Mã bằng xe hơi, khi đi nhớ đem theo áo khoác, một ít thuốc đi rừng và đồ ăn nhẹ, dùng giày thể thao hoặc có đế thấp. Bạch Mã chỉ phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên và trung niên, còn người già và trẻ em thì không nên đi, đồng thời tránh đi rừng một mình hoặc vào ban đêm. Thời điểm thuận lợi để tham quan Bạch Mã là từ tháng 3 đến tháng 9, nhưng phải vào ngày nắng đẹp, không mưa. Bạn có thể thuê khách sạn, nhà nghỉ trên núi Bạch Mã nếu nghỉ qua đêm.

Biển Lăng Cô - Đầm Lập An: Biển Lăng Cô cách trung tâm TP khoảng hơn 60km, nằm dưới chân đèo Hải Vân – vốn được mệnh danh là “Việt Nam đệ nhất hùng quan”. Biển có bờ cát trắng mịn dài thoai thoải, nước biển trong và xanh ngắt - cái màu xanh đặc biệt pha giữa sắc lam của mây trời lẫn sắc lục của núi rừng. Tắm ở đây thật thoải mái không chỉ vì cảnh đẹp, nước sạch mà còn vì đáy cát bằng phẳng, ra xa đến cả cây số mà nước vẫn chỉ ngang thắt lưng.

Lăng Cô không chỉ là bãi biển đẹp của Huế, mà còn là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam và được World Bays công nhận là một trong 30 vịnh biển đẹp của thế giới. Hải sản Lăng Cô nổi tiếng là ngon và rẻ.

Biển Lăng Cô nhìn từ đèo Hải Vân

Đầm Lập An nằm không xa biển Lăng Cô, là một trong những đầm nước lợ lớn và đẹp thuộc hệ thống đầm phá phong phú của xứ Huế. Tuy là đầm nhưng nước rất trong có thể nhìn thấy đáy, xanh ngắt màu trời. Bao quanh đầm là cung đường du lịch chạy ven chân núi, tạo một cảnh quan hết sức nên thơ: một bên là dải nước xanh như ngọc, một bên là núi non trùng điệp. Từ biển Lăng Cô, bạn có thể chơi đầm Lập An bằng xe máy, xe hơi, xe đạp hoặc dạo bộ.
 
Trong veo đầm Lập An

Ẩm thực: Hải sản, gà rừng... Tại Lăng Cô, bạn có thể ăn hải sản ở nhà hàng ven biển hoặc nhà hàng Sao Biển Bé Đen nhìn ra đầm Lập An. Ở suối Voi và thác Nhị Hồ, bạn có thể ăn gà kiến, cá nướng, ốc nướng... bắt nấu tại chỗ. Ngoài ra bạn nên thưởng thức thêm món bánh ướt thịt heo quay nổi tiếng của vùng Truồi.

TUYẾN THAM QUAN ĐƯỜNG SÔNG

Trên tuyến đường sông, tốt nhất bạn chỉ nên đi chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, lăng Minh Mạng vì các điểm này nằm ngay bên bờ sông, có địa thế đẹp. Nhiều chủ thuyền mời bạn đi chơi các lăng khác bằng thuyền nhưng theo ý mình thì không nên đi vì sẽ phải đi đường bộ thêm một đoạn nữa. Trong quãng đường ngắn thì có thể đi thuyền lúc chiều mát về phía cồn Hến, ăn cơm hến, chè bắp, uống cafe Vỹ Dạ Xưa. Ngoài ra, nếu bạn có nhiều thời gian và một chút máu phiêu lưu, bạn có thể thuê thuyền riêng đi suốt 30km đường sông, từ chỗ hợp lưu gần lăng Minh Mạng ra đến cửa biển Thuận An. Bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sông Hương uốn lượn giữa núi đồi, làng mạc với hương thơm hoa rừng và quả ngọt của những vườn cây xanh mát. Suốt tuyến đường sông, bạn sẽ được đi qua nhiều ngôi làng tươi đẹp của đất Huế như Kim Long, Nguyệt Biều, Ðông Ba, Gia Hội, Bao Vinh, Vĩ Dạ, Chợ Dinh, Nam Phổ...

Hoàng hôn trên sông Hương trước chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ: Đã trình bày trong tuyến tham quan phía Bắc sông Hương.

Điện Hòn Chén: Hòn Chén là một ngôi điện linh thiêng nằm trên núi Ngọc Trản ven bờ sông Hương, cách trung tâm thành phố khoảng 9-10km. Tại đây có nhiều cây cổ thụ xòa ra dòng sông, nước sông rất trong do đây là khu nước sâu và nhiều vực thẳm, những bậc đá rêu phong tạo nét cổ kính và u tịch. Có thể đi điện Hòn Chén bằng đường bộ, tuy nhiên đi đường sông thì thú vị hơn. Bạn nên đến đây vào giờ nhiều nắng để khung cảnh bớt âm u, vào ảnh sẽ đẹp hơn. Bạn không nên đi cùng với em bé hoặc người già đến đây vì các bậc đá nhiều rêu khá trơn.

Lăng Minh Mạng: Lăng Minh Mạng là khu lăng mộ có vị thế rất đẹp, nằm gần ngã ba sông phía thượng nguồn sông Hương. Lăng cách trung tâm khoảng 12km, đi đường sông thuận tiện hơn đường bộ. Tuy khuôn viên không có nhiều nét đặc sắc như lăng Khải Định hay Tự Đức nhưng vào đây bạn sẽ thấy tâm hồn thư thái bởi không gian đầy hương hoa đồng nội và nét nên thơ thoáng đãng của núi rừng, hồ bán nguyệt xanh rêu...

Một cảnh trong lăng Khải Định


CHƯƠNG TRÌNH DU LỊCH GỢI Ý:

2 ngày
Ngày 1: Sáng ăn bánh Huế, tham quan Đại Nội, chùa Huyền Không Sơn Thượng. Trưa chơi nhà vườn Phú Mộng, ăn trưa ở nhà hàng vườn. Chiều đi suối nước nóng Thanh Tân. Tối ăn bánh khoái, hoặc bánh ướt/ bún thịt nướng Kim Long, sau đó đi dạo xích lô đêm và ăn chè.
Ngày 2: Sáng ăn bún bò Huế hoặc bánh canh cá lóc, chơi chùa Từ Hiếu, đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức. Ăn trưa ở nhà hàng vườn tuyến lăng. Chiều chơi lăng Khải Định, uống trà/cafe ở Vũ Di Đình cạnh đồi Thiên An. 4h chiều ra sông Hương chụp hình lưu niệm, thuê thuyền chơi chùa Thiên Mụ, đón hoàng hôn trên sông. Tối ăn cơm chay Huế, hoặc ăn đặc sản hến ở Cồn Hến, sau đó uống cafe Vỹ Dạ Xưa hoặc cafe bờ sông.

3 ngày
Ngày 1: Sáng ăn bánh Huế, tham quan Đại Nội, chùa Huyền Không Sơn Thượng. Trưa chơi nhà vườn Phú Mộng, ăn trưa ở nhà hàng vườn. Chiều đi suối nước nóng Thanh Tân. Tối ăn bánh khoái, hoặc bánh ướt/ bún thịt nướng Kim Long, sau đó đi dạo xích lô đêm và ăn chè.
Ngày 2: Sáng ăn bún bò Huế hoặc bánh canh cá lóc, chơi lăng Khải Định, đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức. Ăn trưa ở nhà hàng vườn tuyến lăng. Chiều thuê thuyền đi chơi trên sông Hương, tham quan điện Hòn Chén, lăng Minh Mạng, chùa Thiên Mụ (chùa TM tuy là điểm đến đầu tiên trên đường đi nhưng nên dành đi cuối cùng để đến vào lúc hoàng hôn). Tối ăn cơm chay Huế, hoặc ăn đặc sản hến ở Cồn Hến, sau đó uống cafe Vỹ Dạ Xưa hoặc cafe bờ sông.
Ngày 3: Sáng khởi hành đi Lăng Cô sớm (ăn sáng ở khách sạn hoặc dừng ăn bún,bánh canh, bánh ướt thịt heo quay... trên đường đi). Tham quan hồ Truồi - thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Về Lăng Cô tắm biển, ăn trưa ở nhà hàng hải sản bên bờ biển hoặc ở resort/khách sạn. Chiều tắm biển, 5h chiều đi dạo trên cung đường du lịch ven đầm Lập An, xem đánh bắt hải sản và ngắm hoàng hôn. Ăn chiều ở nhà hàng hải sản gần đầm Lập An (VD: Sao Biển Bé Đen).

4 ngày
Ngày 1: Sáng ăn bánh Huế, tham quan Đại Nội, chùa Huyền Không Sơn Thượng. Trưa chơi nhà vườn Phú Mộng, ăn trưa ở nhà hàng vườn. Chiều đi suối nước nóng Thanh Tân. Tối ăn bánh khoái, hoặc bánh ướt/ bún thịt nướng Kim Long, sau đó đi dạo xích lô đêm và ăn chè.
Ngày 2: Sáng ăn bún bò Huế hoặc bánh canh cá lóc, chơi lăng Khải Định, đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức. Ăn trưa ở nhà hàng vườn tuyến lăng. Chiều thuê thuyền đi chơi trên sông Hương, tham quan điện Hòn Chén, lăng Minh Mạng, chùa Thiên Mụ. Tối ăn cơm chay Huế, hoặc ăn đặc sản hến ở Cồn Hến, sau đó uống cafe Vỹ Dạ Xưa hoặc cafe bờ sông.
Ngày 3: Sáng khởi hành đi Lăng Cô sớm (ăn sáng ở khách sạn hoặc dừng ăn bún,bánh canh, bánh ướt thịt heo quay... trên đường đi). Tham quan hồ Truồi - thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, thuê thuyền chơi thác Nhị Hồ, ăn gà rừng và cá nướng. 4h chiều về Lăng Cô, nhận phòng khách sạn, đi dạo trên cung đường du lịch ven đầm Lập An, xem đánh bắt hải sản và ngắm hoàng hôn. Ăn chiều ở nhà hàng nhà hàng hải sản gần đầm Lập An.
Ngày 4: Ăn sáng, tắm biển sáng, chạy xe lên đèo Hải Vân ngắm biển. Trưa ăn tại khách sạn, nghỉ trưa. Chiều tiếp tục tắm biển. Ăn chiều bên bờ biển.

5 ngày
Ngày 1: Sáng ăn bánh Huế, tham quan Đại Nội, chùa Huyền Không Sơn Thượng. Trưa chơi nhà vườn Phú Mộng, ăn trưa ở nhà hàng vườn. Chiều đi suối nước nóng Thanh Tân. Tối ăn bánh khoái, sau đó đi dạo xích lô đêm và ăn chè.
Ngày 2: Sáng ăn bánh canh cá lóc, chơi lăng Khải Định, uống trà/cafe ở Trà Đình Vũ Di, chơi đồi Thiên An. Ăn trưa ở nhà hàng vườn tuyến lăng. Chiều chơi chùa Từ Hiếu, đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức. Tối về Cồn Hến hoặc đường Hàn Mạc Tử ăn các đặc sản hến, chè bắp, sau đó uống cafe Vỹ Dạ Xưa hoặc cafe bờ sông.
Ngày 3: Sáng ăn bún bò Huế, thuê thuyền đi chơi trên sông Hương, tham quan chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, lăng Minh Mạng. Trưa ăn bánh ướt/bún thịt nướng Kim Long. Chiều chơi điện Huyền Trân Công Chúa, leo núi Ngũ Phong đánh chuông Hòa Bình. Tối ăn cơm chay và đi dạo đêm.
Ngày 4: Khởi hành đi Lăng Cô (có thể ăn sáng trên đường đi), ghé tham quan hồ Truồi, thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, chùa Phước Sơn. Trưa đến Lăng Cô, ăn trưa ở nhà hàng ven biển. Chiều tắm biển chiều ở Lăng Cô. 5h chiều đi dạo ở con đường ven chân núi bao quanh đầm Lập An, đón hoàng hôn và xem cảnh dân chài sinh hoạt. Ăn chiều ở nhà hàng hải sản gần đầm Lập An.
Ngày 5: Ăn sáng, tắm biển sáng (tắm nhanh), chạy xe lên đèo Hải Vân ngắm biển, sau đó đi Bạch Mã (đem theo đồ ăn). Khám phá Hải Vọng Đài, thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ ở Bạch Mã. 4h chiều về lại Lăng Cô, tắm biển chiều và ăn hải sản. Nếu không có điều kiện đi Bạch Mã, bạn có thể đi suối Voi - tắm suối nước lạnh, ăn gà rừng, cá nướng bên suối và chơi rừng nguyên sinh.

6 ngày:
Ngày 1: Sáng ăn bánh Huế, tham quan Đại Nội, chùa Huyền Không Sơn Thượng. Trưa chơi nhà vườn Phú Mộng, ăn trưa ở nhà hàng vườn. Chiều đi suối nước nóng Thanh Tân. Tối ăn bánh khoái, sau đó đi dạo xích lô đêm và ăn chè.
Ngày 2: Sáng ăn bánh canh cá lóc, chơi lăng Khải Định, uống trà/cafe ở Trà Đình Vũ Di, chơi đồi Thiên An. Ăn trưa ở nhà hàng vườn tuyến lăng. Chiều chơi chùa Từ Hiếu, đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức. Tối về Cồn Hến hoặc đường Hàn Mạc Tử ăn các đặc sản hến, chè bắp, sau đó uống cafe Vỹ Dạ Xưa hoặc cafe bờ sông.
Ngày 3: Sáng ăn bún bò Huế, thuê thuyền đi chơi trên sông Hương, tham quan chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, lăng Minh Mạng. Trưa ăn bánh ướt/bún thịt nướng Kim Long. Chiều chơi điện Huyền Trân Công Chúa, leo núi Ngũ Phong đánh chuông Hòa Bình. Tối ăn cơm chay và đi dạo đêm.
Ngày 4: Khởi hành tuyến Lăng Cô - thác Nhị Hồ - Suối Voi - Bạch Mã. Ăn sáng sớm hoặc có thể ăn sáng trên đường đi (bún bò, bánh ướt thịt heo quay...), tham quan hồ Truồi, thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, thuê thuyền lênh đênh trên hồ Truồi vào Thác Nhị Hồ tắm suối, ăn gà rừng và cá nướng, dạo rừng nguyên sinh. Chiều về Lăng Cô, dạo mát ở con đường ven chân núi bao quanh đầm Lập An, đón hoàng hôn và xem cảnh dân chài sinh hoạt. Ăn chiều ở nhà hàng Sao Biển Bé Đen.
Ngày 5: Tắm biển và ăn hải sản, nhớ dành 30 phút chạy xe lên đèo Hải Vân ngắm biển, buổi sáng là đẹp nhất.
Ngày 6: Ăn sáng, tắm biển sáng, sau đó đi Bạch Mã (đem theo đồ ăn). Khám phá Hải Vọng Đài, thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ ở Bạch Mã. 4h chiều về lại Lăng Cô, tắm biển chiều và ăn hải sản. Nếu không có điều kiện đi Bạch Mã, bạn có thể đi suối Voi - tắm suối nước lạnh, ăn gà rừng, cá nướng bên suối và chơi rừng nguyên sinh.

7 ngày:
Ngày 1: Sáng ăn bánh Huế, tham quan chùa Thiên Mụ và chùa Huyền Không Sơn Thượng. Trưa chơi nhà vườn Phú Mộng, ăn trưa ở nhà hàng vườn. Chiều đi suối nước nóng Thanh Tân. Nghỉ đêm ở Thanh Tân.
Ngày 2: Sáng tắm suối, dạo chơi rừng nguyên sinh. Về Kim Long ăn bánh ướt/bún thịt nướng rồi tham quan Đại Nội. Trưa ăn bánh khoái. Chiều chơi đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, lăng Khải Định. Tối ăn ở nhà hàng vườn tuyến lăng, sau đó đi dạo đêm và ăn chè.
Ngày 3: Đi chơi đường sông nguyên ngày từ cầu Tràng Tiền đến cửa biển Thuận An, dừng ăn sáng và ăn trưa tại các quán ven bờ. Chiều ra cảng Thuận An đón thuyền đi chơi Rú Chá, theo dân chài lênh đênh trên phá Tam Giang bắt thủy sản nướng ăn tại chỗ. Đón hoàng hôn trên phá Tam Giang. Tối đi uống cafe.
Ngày 4: Sáng ăn bún bò Huế hoặc bánh canh cá lóc, chơi chùa Từ HIếu và điện Huyền Trân Công Chúa, leo núi Ngũ Phong đánh chuông Hòa Bình. Trưa ăn chay hoặc nhà hàng vườn tuyến lăng. Chiều đi dạo khu trung tâm thành phố và mua sắm.
Ngày 5: Khởi hành tuyến Lăng Cô - thác Nhị Hồ - Suối Voi - Bạch Mã. Ăn sáng sớm hoặc có thể ăn sáng trên đường đi (bún bò, bánh ướt thịt heo quay...), tham quan hồ Truồi, thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, thuê thuyền lênh đênh trên hồ Truồi vào Thác Nhị Hồ tắm suối, ăn gà rừng và cá nướng, dạo rừng nguyên sinh. Chiều về Lăng Cô, dạo mát ở con đường ven chân núi bao quanh đầm Lập An, đón hoàng hôn và xem cảnh dân chài sinh hoạt. Ăn chiều ở nhà hàng Sao Biển Bé Đen.
Ngày 6: Tắm biển và ăn hải sản, nhớ dành 30 phút chạy xe lên đèo Hải Vân ngắm biển, buổi sáng là đẹp nhất.
Ngày 7: Ăn sáng, tắm biển sáng, sau đó đi Bạch Mã (đem theo đồ ăn). Khám phá Hải Vọng Đài, thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ ở Bạch Mã. 4h chiều về lại Lăng Cô, tắm biển chiều và ăn hải sản. Nếu không có điều kiện đi Bạch Mã, bạn có thể đi suối Voi - tắm suối nước lạnh, ăn gà rừng, cá nướng bên suối và chơi rừng nguyên sinh.

Lưu ý:

- Nên dành thời gian cuối tuần để lưu lại Huế, vì cầu Trường Tiền sẽ đổi màu liên tục, thuyền du lịch được phép thả hoa đăng trên sông vào các tối thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ. Ngoài ra, lễ hội Đêm Hoàng Cung cũng được tổ chức vào tối thứ Bảy hàng tuần và các ngày lễ ở Đại Nội (trừ trường hợp trời mưa, tu sửa Đại Nội...)

- Huế có 2 khu suối nước nóng khá đẹp là Mỹ An và Thanh Tân. Mỹ An chỉ cách trung tâm TP khoảng 6km, còn Thanh Tân xa hơn: khoảng 30km. Tuy nhiên, Mỹ An là khu suối khoáng lưu huỳnh trị liệu, phù hợp cho người bệnh hoặc người già; còn Thanh Tân phù hợp cho mọi đối tượng với cảnh thiên nhiên đẹp, nhiều dịch vụ vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe.

- Nếu thích tìm hiểu các làng nghề, bạn có thể kết hợp những địa điểm phù hợp trên các tuyến đường tham quan.

ĐỊA CHỈ ẨM THỰC

Các loại bánh Huế:

- Bánh bèo, nậm, lọc, ướt, ram ít, nem chả: Quán Hàng Me - 45 Võ Thị Sáu (khu trung tâm TP, đông khách và khá ngon); các quán Cung An Định - hẻm Nguyễn Huệ (gần trung tâm TP, đông khách và giá cả bình dân); Bà Đỏ (71 Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách trung tâm TP khoảng 3km, đông khách và ngon, đặc biệt là các món nậm, lọc, bánh lá chả tôm); quán Tranh - 232 Chi Lăng (ngon, cách trung tâm khoảng 3km); quán Mợ đường Điện Biên Phủ; bánh bèo bà Cư - 47 Nguyễn Huệ.

- Bánh khoái: Tập trung nhiều ở đường Đinh Tiên Hoàng (gần Đại Nội), tiêu biểu là các quán Lạc Thiện, Lạc Thạnh, Hồng Mai...

- Bánh ướt/bún thịt nướng: Tập trung nhiều ở đường Kim Long (đường đi nhà vườn, chùa Thiên Mụ), tiêu biểu là quán Huyền Anh - 207 Kim Long.

- Bánh tráng phơi sương: Hoàng Ngân - 98 Bà Triệu.

Bánh nậm lọc Hàng Me

Bún, bánh canh, cơm hến, cháo:

- Bún bò Huế: Có nhiều quán khá ngon trên đường Nguyễn Công Trứ, khu trung tâm TP như quán bà Mỹ - 71 NCT; quán bà Tâm - 43 NCT; quán bà Tuyết - 37 NCT. Một số quán khác: 13 Lý Thường Kiệt; bún Hiền - 29 Bà Triệu; quán bà Phụng - đường Nguyễn Du (chỉ bán buổi chiều và tối); bún bò Gia Hội - đường Bạch Đằng; bún bà Rớt - công viên Thương Bạc (bán sau 5h chiều).

- Bún chả cá: 124 Nguyễn Huệ; 110 Nguyễn Huệ; chè Sao - 60 Phan Chu Trinh

- Bánh canh: quán bà Đợi - 40 Đào Duy Anh (rất ngon nhưng phải đợi lâu, khách sẽ được xem mọi công đoạn làm ra tô bánh canh); phố bánh canh đèn dầu đường Hàn Thuyên (chuyên bán tối, dành cho khách dạo đêm); các quán bánh canh cá lóc trên đường Điện Biên Phủ, Đống Đa, Nguyễn Huệ; bánh canh cua quán Nga - 32 Phạm Hồng Thái.

- Cơm hến, bún hến, hến xào, chè bắp: Nhiều quán ngon với giá bình dân ở khu vực cồn Hến và đường Hàn Mạc Tử; quán hến đường Trương Định.

- Cháo lươn: quán ông Lương- 43 Bà Triệu (quán ăn bình dân khá ngon, gần trung tâm)

Quán chay: Liên Hoa Thư Quán - 3 Lê Quý Đôn (ngon và đẹp); Tịnh Tâm - 27 Tịnh Tâm và 4 Chu Văn An; Bồ Đề (11 Lê Lợi); Loving Hút - 128 An Dương Vương (nhà hàng thuần chay); phố chay Hàn Thuyên.

Chè: Chè Cung Đình - 31 Nguyễn Huệ (ngon, gần trung tâm); chè Hẻm: 17 Hùng Vương (ngay khu trung tâm); chè mệ Tôn Đích ở công viên Thương Bạc.

Nhà hàng vườn:

- Chân Đồi: 65/16 Lê Ngô Cát (cách trung tâm TP 4km, trên tuyến đường đi lăng, nhà hàng rộng và đẹp, nhiều món ăn ngon). ĐT: 054.3886296 - 0914194196.

- Thảo Nhi Biệt Phủ: đường lên lăng Khải Định (cách trung tâm TP khoảng 5-6km, nhà hàng rộng và có kiến trúc nhà vườn Huế rất đẹp, nhiều món ngon). ĐT: 054.3855037.

- Không Gian Xưa: 205 Điện Biên Phủ (cách trung tâm TP khoảng 3km). Nhà hàng rộng và mang đậm phong cách Huế, thực đơn phong phú, giá hợp lý. ĐT: 054.3886668.

- Vân Chiều Quán: Đây là nhà hàng câu cá ở khu Vỹ Dạ, nằm ven sông Như Ý, gần khu trung tâm. Nhà hàng chuyên các món đồng quê, phong cảnh thiên nhiên đẹp, là nơi thư giãn và giải trí. ĐT: 054.3855866 - 0984203377 - 0984202277.

- Quỳnh Hương: 133 Nguyễn Sinh Cung. Nhà hàng có cảnh sông đẹp và thoáng mát, gần khu trung tâm. Các món ngon: gà nướng ống tre, gà lẩu nấm, gỏi cuốn hải sản... ĐT: 054.3822890 - 054.3825295 – 0914172045.

- Thảo Trang Viên: nằm trong khu nhà vườn Phú Mộng, cách trung tâm TP khoảng 4km. Đây là nhà hàng vườn kiểu dân dã, nhiều món ăn ngon, giá rất hợp lý.

- Thịt rừng: có rất nhiều quán ngon ở khu đồi Thiên An, tiêu biểu là nhà hàng Ngọc Linh.

Cháo dinh dưỡng: Cháo Thiên Thanh - 11 Đống Đa Huế (thuộc khu vực trung tâm TP). Quán chuyên bán cháo dinh dưỡng rau xanh củ quả, gồm 9 món: heo, tôm, bò, cua, cá, lươn, não, ếch, tim cật. Các gia đình đem theo con nhỏ đi chơi có thể yên tâm về khoản ăn uống cho bé.

CÁC ĐIỂM CHỤP ẢNH ĐẸP Ở HUẾ

Mùa lúa chín (đường lên Huyền Không Sơn Thượng)
Phượng đỏ bên sông Hương
Biển xanh cát trắng - Lăng Cô

Chụp sông Hương: Sông Hương dài đến 33km và có thể nói là chỗ nào cũng đẹp, nhưng những nơi có vị thế đẹp nhất khi vào ảnh là:
- Đoạn sông dưới đồi Vọng Cảnh
- Đoạn sông chảy qua cầu Trường Tiền (ngay tại chân cầu có một cây phượng vào mùa hè luôn ra hoa rực rỡ, khi chụp vào ảnh kết hợp với màu nước xanh của sông Hương và màu bàng bạc của cầu sẽ rất đẹp)
- Đoạn sông ở chùa Thiên Mụ (đứng dưới lòng sông chụp lên lấy cảnh chùa và đứng trên sân chùa chụp xuống)
- Đoạn sông nhìn từ đỉnh đồi Thiên An
- Đoạn sông ở điện Hòn Chén: đây là khu có nhiều vực thẳm, rất sâu nên nước rất xanh, khu vực điện Hòn Chén lại có nhiều đá và cây cổ thụ, đứng từ sân chụp ra lấy cảnh con đò lướt qua những vòm lá trên nền nước xanh thì rất tuyệt. Lưu ý là muốn chụp đoạn sông này đẹp thì phải đi vào ngày nắng vì cây cổ thụ ở đoạn này làm cho khung cảnh khá tối, đúng hôm nào có mây trắng bông gòn thì càng đẹp.
- Đoạn sông dưới cầu Tuần (gần lăng Minh Mạng)
- Đoạn sông chảy qua cồn Hến (chụp từ thuyền đi trên sông hoặc chụp từ quán cafe Hoàng Phương)

Chụp đồng lúa: đi ra ngoại thành, các bạn có thể thấy nhiều đồng lúa. Sau đây là những cánh đồng đẹp (đẹp nhất là vào mùa gặt - thường khoảng tháng 5, 6 và tháng 9, 10):
- Cánh đồng dưới chân núi trên đường lên chùa Huyền Không Sơn Thượng
- Cánh đồng ven phá Tam Giang (đặc biệt là từ sân chùa Phước Sơn nhìn xuống)
- Cánh đồng 2 bên con đường đi đến cầu ngói Thanh Toàn

Chụp bình minh:
- Bình minh ở biển Lăng Cô: rất tuyệt, với chút nắng sớm lan trên mặt biển, mặt trời ló ra sau núi và sương sớm mờ ảo.
- Mình minh ở Vỹ Dạ: đúng như Hàn thi sĩ viết - "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh", chụp từ cồn Hến, lấy mặt sông qua những khóm trúc hoặc chụp từ cafe sông Xanh nhìn ra sông Như Ý đều đẹp.
- Bình minh trên núi Ngự Bình: cái này thì hơi cực vì sáng sớm ai mò ra núi Ngự làm gì, nhưng cảnh sông Hương chảy dài dưới rừng thông kèm theo cái mờ ảo của nắng sớm rất đẹp đấy.

Chụp hoàng hôn:
- Hoàng hôn ở phá Tam Giang: có thể nói đây là nơi rất đẹp để chụp ảnh hoàng hôn, với cảnh hoạt động của ngư dân trên phá kèm theo màu trời đỏ rực.
- Hoàng hôn ở biển Thuận An: vì sao chụp bình minh ở biển Lăng Cô đẹp mà hoàng hôn mình lại đề xuất ở biển Thuận An? Đó là vì Lăng Cô cát trắng, còn Thuận An cát vàng, khi chiều xuống mặt biển cứ nhuộm một màu óng ả rất hay.
- Hoàng hôn ở chùa Thiên Mụ: đứng trên sân chùa mà nhìn cảnh hoàng hôn đổ trên mặt sông thì chân không muốn về.
- Hoàng hôn từ công viên Thương Bạc: ra quán cafe Hoàng Hôn canh trời chiều đổ xuống trên sông, nhuộm vàng cả cầu Trường Tiền sẽ thấy lãng mạn lắm.

Chụp trăng:
- Cafe Hoàng Phương: nơi đây được mệnh danh là nơi ngắm trăng đẹp nhất miền Trung đấy. Vào đêm rằm trăng sáng vằng vặc tỏa trên mặt sông lại được điểm xuyết thêm chút thi vị của lau sậy và cảnh cồn Hến nên rất chi là thơ mộng.
- Biển Lăng Cô và Thuận An
- Đồi Vọng Cảnh

Chụp đêm:
- Chân cầu Trường Tiền vào cuối tuần: cầu lên đèn màu, thuyền Rồng chở khách và thả hoa đăng.
- Từ sân thượng khách sạn Imperial
- Cổng Thượng Tứ và cái cổng gì song song đó lúc đi vào quên mất tên rồi
- Đại Nội đêm hoàng cung
- Công viên Thương Bạc (nhớ lấy chiếc thuyền Rồng đặc biệt)

Chụp hoa: Hoa thì phải tùy theo mùa chứ không phải lúc nào cũng chụp được, cứ post ra đây để các bạn tham khảo:
- Hoa ngô đồng ở Đại Nội, công viên Thương Bạc và công viên Tứ Tượng vào tháng 3, 4
- Hoa đỗ mai/điệp anh đào trong sân trường Quốc Học vào tháng 2
- Muồng hoa đào dọc bờ sông An Cựu (rất đẹp nhé) vào tháng 5, 6
- Hoa phượng dọc sông Hương từ tháng 5 đến tháng 8 (chân cầu Trường Tiền - sau đài phát thanh; công viên Thương Bạc, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, con đường dọc sông Hương từ cầu Phú Xuân đến cầu Bạch Hổ...)
- Bằng lăng, lim xẹt vào tháng 4 khắp mọi nẻo đường
- Hoa sen từ tháng 5 đến tháng 8 ở hồ Tịnh Tâm, quanh Hoàng Thành, lăng Tự Đức, chùa Thiên Mụ...
- Hoa súng ở các chùa (đặc biệt là Huyền Không Sơn Thượng)
- Hoa lan ở Huyền Không Sơn Thượng
- Hoa hồng mai (Nhất Chi Mai) vào tháng 3, 4 ở các khu suối nước nóng như Thanh Tân, Mỹ An và các chùa
- Hoa hoàng yến/osaka vào tháng 4, 5 ở đường Hùng Vương, Kim Long và lăng Minh Mạng (cây ở đường Hùng Vương đẹp nhất)
- Hoa tường vy vào tháng 4, 5 ở đường Lê Ngô Cát
- Hoa phượng tím ở đường Nguyễn Trường Tộ giữa 2 trường Quốc Học và Hai Bà Trưng
- Hoa muồng vàng ở công viên Thương Bạc và phượng vàng (đúng là phượng chứ không phải lim xẹt như nhiều người nhầm nhé) ở chùa Huyền Không Sơn Hạ.
... (nhiều quá nhớ không hết)

Chụp mây, rừng, thác, suối: Không nơi đâu đẹp bằng Bạch Mã

Chụp di tích:
- Lăng Tự Đức
- Lăng Minh Mạng
- Lăng Khải Định
- Đại Nội
- Chùa Từ Hiếu (cái chùa này rất cổ xưa và rêu phong, nằm trên đồi thông có dòng nước uốn quanh, vô ảnh rất có hồn - mình đánh giá là hơn chùa Thiên Mụ).

Các bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các bài viết về Huế của mình trong blog này:

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét