Sắp xếp việc nhà để tận hưởng cuộc sống

Nhiều người nói cuộc sống thật là vất vả, nào là phải đi làm (ai mà chả cần tiền để sống cơ chứ), nào là việc nhà cửa, chăm sóc con cái... Thời gian cứ thế trôi đi và suốt ngày chúng ta cứ phải miệt mài trong guồng quay cuộc sống, chẳng còn đâu thời gian để vui chơi như thời son rỗi.

Nhưng mình không thích nhìn cuộc sống vất vả tí nào. Có vất vả hay không là do cách chúng ta suy nghĩ và hành động, tất nhiên là do cả điều kiện sống nữa. Bây giờ, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, chẳng phải như cái thời cha mẹ chúng mình phải xếp hàng mua gạo thịt, làm tất tần tật mọi thứ (bằng tay, dĩ nhiên), đã thế tiền bạc lại còn thiếu thốn. Phần lớn chúng ta sống tương đối đầy đủ, có thể không giàu, nhưng không đến mức nghèo đói, vì thế, mình nghĩ việc tổ chức cuộc sống và tận dụng các phương tiện, dịch vụ để chúng ta có thể nhàn nhã ngay cả khi không có người giúp việc cũng là một kỹ năng sống quan trọng.

Trong bài viết này, mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân về sắp xếp việc nhà để có nhiều thời gian cho những việc khác, kể cả vui chơi và nghỉ ngơi. Trước đây khi con gái còn nhỏ và hai vợ chồng quá bận việc, tụi mình cũng có người giúp việc (chỉ làm việc nhà theo giờ, không phụ trách nấu ăn và chăm sóc con). Một năm nay mình không cần đến người giúp việc nữa, thấy cuộc sống thoải mái, như ý và riêng tư hơn.


1. Tất cả các thành viên đều làm việc nhà

Trong nhà mình thì vợ, chồng và con gái đều tham gia vào các công việc gia đình, tùy theo năng lực và sở trường. Mình may mắn có được anh xã khá chăm chỉ và nấu nướng giỏi (nói may mắn nhưng cũng do ngày xưa mình tinh mắt lựa chọn chứ bộ). Thường thì việc nhà được phân chia như sau: Mình đi chợ 1-2 tuần/lần để mua các thực phẩm tươi sống (như gà sống làm tại chỗ, tôm nhảy tanh tách, cá bơi trong bể, rạm, cua đồng bò lổm ngổm... => cho xử lý luôn tại chợ) và một số loại rau; sau đó về rửa sạch, phân hộp cho từng bữa ăn, để tủ lạnh. Mình cũng tưới hoa, rửa chén, vệ sinh nhà cửa hàng ngày, ủi quần áo 1 tuần/lần. Việc nấu ăn mình share với chồng. Anh xã phụ trách việc đi siêu thị 1 tuần/lần để mua tất cả các loại thực phẩm sạch (thịt, cá, rau củ sạch, trái cây, đồ đông lạnh, thức ăn nhanh, bánh mì, bơ sữa yaourt...) và các vật dụng gia đình; ngoài ra hàng tuần còn mua hải sản sống hoặc thức ăn ngon về chiêu đãi vợ con trên đường đi làm về. Xã cũng đưa đón con đi học hàng ngày, đổ rác, tham gia nấu ăn, tổng vệ sinh nhà cửa 1-2 tuần/lần (đặc biệt chất lượng công việc cực kì cao mỗi khi giận vợ, hehe). Thời con còn bé thì xã còn tắm cho con nữa. Việc chơi và dạy con thì hai vợ chồng cùng làm. Con gái mình 7 tuổi, đã có thể tự lo cho bản thân những việc như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh, dọn dẹp đồ chơi và giường ngủ... khá thành thạo từ lúc lên 3, bây giờ con giúp ba mẹ phơi quần áo, xếp đồ, quét nhà, thậm chí cả lau nhà và lau toilet nữa (xịn chưa!)

Tất nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý là phải tập cho con biết tự lập ngay từ bé, bắt đầu từ những việc nhỏ. Mình thấy có những cô/cậu bé bằng tuổi con mình mà ba mẹ còn phải dí ăn, tắm rửa và dọn dẹp cho..., như thế là tự mua việc vào mình đồng thời làm con khó phát triển kĩ năng sống.

2. Sắm các vật dụng cần thiết và thiết kế nhà cửa hợp lý

Với thời buổi hiện đại bây giờ thì không có cớ gì chúng ta phải làm tất cả mọi việc bằng tay rồi than mệt. Tất nhiên, đồ đạc thì sắm biết bao giờ cho đủ, bằng chứng là mỗi lần ra siêu thị, trung tâm thương mại lại thấy nhu cầu khuân về một thứ gì đó, hehe, vì thế không nên quá lạm dụng mà chật nhà (mình vẫn thích một căn nhà gọn sạch và thoáng đãng). Theo mình nghĩ, ngoài những vật dụng thông thường, những thứ cơ bản mà một gia đình nên có để tiết kiệm sức lao động là: tủ lạnh có dung tích phù hợp với nhu cầu của gia đình, lò vi sóng, máy giặt, bếp và các loại thiết bị nấu ăn đa năng, máy hút bụi, máy rửa chén (nếu thấy quá mệt mỏi với công việc này)...

Bếp, tủ và không gian sinh hoạt không chỉ cần thiết kế đẹp mà còn phải hợp lý, sao cho gọn và tiết kiệm thời gian một cách tối ưu nhất. Mình rất ngạc nhiên khi thấy nhà một người bạn đặt tủ lạnh bên cửa ra vào, bếp hình chữ L thì một diện tích rất nhỏ dành cho bếp, tiếp đến là máy giặt, rồi lại đến bồn rửa... Tóm lại là với cách bố trí như vậy thì phải lấy đồ trong tủ lạnh ra, chạy đến bồn rửa, chạy sang nơi cắt chặt, sơ chế rồi lại lộn ngược về bếp, thật là mất thời gian, và dĩ nhiên cô ấy thường xuyên than mệt.

Bếp của mình đơn giản và không quá rộng nhưng đủ không gian thoải mái để nấu nướng. Mình không cần dùng máy hút mùi vì chỗ mình ở rất thoáng, gió sông lồng lộng.



3. Bữa ăn gia đình

Quan điểm của mình về việc tổ chức bữa ăn gia đình là nhanh, gọn, đủ dinh dưỡng (trừ những dịp cuối tuần hoặc rảnh rỗi, có cảm hứng thì còn bày biện cầu kì, phải ngon và đẹp nữa). Do đã làm sạch và phân hộp cho từng bữa, việc nấu ăn của nhà mình cực kì đơn giản. Vì chỉ ăn chung bữa chính là chiều tối, nên buổi sáng mình cho các hộp thức ăn trong chiều từ ngăn đông xuống ngăn mát, nếu bữa nào quên thì rã đông bằng lò vi sóng. Đầu tiên là cắm nồi cơm điện, sau đó có món nào cần có thời gian ngấm gia vị thì cứ ướp sẵn. Bỏ tất cả đấy đi xem ti vi, nghe nhạc hay dạo bộ, hoặc có thể làm các việc nhà khác như hút bụi, lau nhà... rồi mới bắt tay nấu ăn. Việc cắt rửa nấu nướng cả mấy món (canh, rau, món mặn...) chỉ trong vòng 20 phút là nhiều. Anh xã mình còn chê chậm đấy, vì xã có thể chuẩn bị bữa ăn tươm tất ngon lành trong có 10 phút cơ. Trong thời gian bật các bếp nấu thì mình đã tranh thủ tưới hoa và vệ sinh nhanh 2 toilet: xịt xà bông nước đều khắp và dùng vòi phun xả mạnh, bật thông gió và xịt nước thơm. Chính vì thế toilet không mất nhiều thời gian cọ rửa các vết ố vàng và lúc nào cũng thơm tho.

Mình cũng không muốn mất nhiều thời gian cho bữa ăn sáng, để thời gian ấy mà ngủ hoặc ngắm hoa ngắm sông còn thích hơn, vì thế bữa sáng được chuẩn bị trong 1-10 phút, tùy món. 1 phút là lôi thức ăn nhanh hoặc đồ ăn mua sẵn để trong tủ lạnh ra nhét lò vi sóng là xong; 2 phút có thể là bánh mì bơ, pa tê, thịt nguội, dưa leo và cà chua; 5-10 phút có thể là bún/phở/bánh canh (đã nấu sẵn nước dùng trong bữa cơm chiều hôm trước, như nước xương heo, chân giò, bò viên..., còn mấy thứ bún phở thì mua sẵn để tủ lạnh), hoặc món nui, miến (nước hoặc xào), cháo, cơm chiên... Cuối tuần thì cả nhà ngủ chán chê rồi ra ngoài ăn sáng, đi chơi.

Cũng nói thêm là không phải tất cả bữa chiều và bữa sáng đều do mình chuẩn bị, vì có những hôm anh xã đảm đang dậy sớm làm đồ ăn, chiều về nấu ăn để vợ được nghỉ ngơi giải trí tí chút (yêu ghê).

4. Sắp xếp công việc hợp lý

Có lẽ do ảnh hưởng của công việc chính mà mình luôn muốn các việc linh tinh ở nhà cũng được lập kế hoạch rõ ràng và "gom vào một mối". Thật là mệt mỏi nếu việc nhà cứ trải dài cả ngày. Ví dụ, mình chia thời gian cho toàn bộ công việc dọn rửa, vệ sinh nhà cửa tối đa là 30 phút/ngày, thường thì chỉ mất khoảng 20 phút. Chén đũa lau xà bông cho sạch, để dưới vòi xả mạnh rồi gắn nút đóng bồn, xả nước, vắt 2/3 quả chanh (nhiều người dùng dấm cho tiện nhưng quả thực mình thích chanh hơn vì hương thơm rất nhẹ nhàng tinh khiết) ngâm đấy, 1/3 quả còn lại cho vào thau nước nhỏ ngâm khăn lau sẵn. Sau đó bật máy hút bụi, nếu nhà khá sạch rồi thì chỉ cần quét và lau. Trở lại bồn rửa, cắm 1 bình đun nước đầy (sôi trong khoảng 1 phút), tháo nút đóng bồn, xả lại chén đĩa dưới vòi và sắp vào khay inox, dội nước sôi lên, đảm bảo chén đĩa sạch bóng và khử trùng luôn. Dùng chai xịt bếp lau bếp, bàn ăn, lau sơ lại bằng khăn ngâm nước chanh lúc nãy, không gian bếp thật sạch và thơm mát.

Do những công việc linh tinh như vậy cũng dễ gây mệt mỏi và stress nên mình luôn tranh thủ giải trí trong khi làm việc: bật nhạc hòa tấu êm dịu, vừa làm vừa hát... Trong bếp cũng thường có hoa tươi để ngắm.

Vấn đề món ăn: mình có lập một thực đơn cho 2 tháng với gần 200 món không hề trùng nhau, bao gồm đầy đủ món canh, món rau, món chính... cho mỗi bữa ăn (tất nhiên sau đó thì có tráng miệng bánh trái linh tinh). Nói thực là mình cũng ít khi dùng đến thực đơn ấy, vì ăn uống nhiều khi còn theo ngẫu hứng nữa, nhưng nó có cái tiện là hôm nào đi chợ mà lười suy nghĩ thì chỉ việc liếc vào đó là xong.

5. Bảo quản thực phẩm

Một phần quan trọng không thể không nhắc đến là khâu bảo quản thực phẩm, sao cho đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng, tươi lâu, lại gọn gàng tiện lợi và tiết kiệm thời gian khi chuẩn bị bữa ăn. Thường thì thực phẩm sau khi đi chợ/siêu thị về được mình phân loại như thế này:

- Đối với món chính (thịt, cá, tôm...) nếu không ăn ngay thì rửa sạch, chia từng bữa vừa ăn, bỏ vào hộp theo từng kích cỡ (mình thường dùng một loại hộp với 5 cỡ từ nhỏ đến lớn để dễ sắp xếp và tiết kiệm diện tích), cho vào ngăn đông tủ lạnh.

- Rau: Thường là mình mua ở cửa hàng rau sạch, vừa yên tâm về an toàn thực phẩm, vừa tiện vì người ta đã đóng gói sạch đẹp, chỉ việc nhét vào ngăn rau của tủ lạnh, nếu thiếu chỗ thì trưng dụng thêm các ngăn mát, bảo quản được khá lâu.

 

Với những thứ mua ở chợ thì mình làm sạch rau củ, loại thì để ráo, loại quay khô bằng máy spinner (cái máy này gồm cả rá rửa rau luôn => xem hình), sau đó cho vào hộp nhựa hay giấy bọc thức ăn (đối với củ quả) hoặc bao zipper (đối với rau). Mình thường dùng bao zipper Kokusai size L và M mua ở siêu thị, rất tiện dụng. Với cách này mình bảo quản được rau củ quả tươi suốt tuần mà khi đem ra nấu chỉ việc xả sơ nước dưới vòi.



- Các loại gia vị, trái cây và những thứ linh tinh: cũng phân loại và cất nơi phù hợp.

Mình thường lau tủ lạnh và lò vi sóng bằng khăn mềm nhúng nước chanh, trong tủ lạnh mình cũng thường cắt một lát chanh để trong ngăn mát hút mùi, như vậy khi mở tủ bao giờ cũng thấy nhẹ nhàng tinh khiết. Một điều quan trọng nữa là tủ lạnh phải được sắp xếp phù hợp: nơi để thịt cá riêng, rau củ riêng, trứng, bơ, sữa, phô mai, yaourt... riêng, thức ăn nhanh, đồ ăn chín để lần sau sử dụng cũng được bọc kín bằng màng bọc thức ăn để tránh gây mùi và nhiễm khuẩn.

6. Một ngày của mình như thế nào?

Thường thì không ngày nào giống ngày nào, vì cuộc sống luôn luôn vận động mà. Đó là chưa kể đến tâm trạng, sức khỏe và tình trạng công việc hàng ngày. Cũng có những ngày đặc biệt chăm chỉ, hoặc lên cơn lười biếng. Rồi cũng có những dịp weekend ngẫu hứng đi du lịch và sau đó cả tuần ăn đồ siêu thị hoặc mua sẵn, hay vợ hoặc chồng đi xa thì người còn lại phải làm từ A đến Z... Nhưng nhìn chung, một ngày điển hình của mình hiện nay như thế này:

5h45-6h30: Thức dậy, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị bữa sáng, cột tóc điệu cho con gái, ăn sáng, tưới hoa. Chồng tắm rửa xong ăn sáng và đưa con đi học. Hôm nào chồng đảm đang làm bữa sáng thì mình ngủ đến tận 7h, con gái tự làm đẹp lấy.

6h30-8h: Có khi chui vào giường ngủ thêm tiếng nữa, hehe, nhưng thường là dạo bộ bên sông, sưởi nắng, ngắm hoa chụp ảnh..., chơi đàn và nghe nhạc, lướt web/blog, tóm lại là giải trí và thể dục buổi sáng.

8h-9h: Đi bơi, tắm gội, dưỡng thể, bắt đầu ngày làm việc mới (hôm nào không đi bơi thì làm việc sớm hơn).

9h-11h30: Làm việc.

11h30-12h30: Ăn trưa, nghỉ ngơi, nghe nhạc.

12h30-14h: Ngủ trưa

14h-17h (hoặc đến 17h30): Tiếp tục làm việc

17h-18h: Thư giãn, giải trí, nấu ăn gia đình...

18h-19h: Ăn tối (giờ ăn là cứ phải cho xông xênh vì còn nhẩn nha, trò chuyện nữa, rồi nghỉ ngơi sau đó, chứ thực ra cũng chẳng lâu vậy).

19h-19h30: Rửa chén, vệ sinh nhà cửa.

19h30-20h30: Cả nhà đi dạo công viên, chơi và học với con.

20h30-22h30: Làm việc (Ngày xưa mình thường làm việc đến 12h đêm, giờ thì sắp có baby nữa nên giảm bớt công việc. Có khi chỉ làm buổi chiều và tối, buổi sáng chơi tràn.

Sau đó là tắm, dưỡng thể và dĩ nhiên là đi ngủ.

Mình dành thời gian cho việc nhà trung bình 40-60 phút/ngày, thấy cuộc sống khá ổn, vui vẻ và thoải mái, trong khi ngày xưa có người giúp việc làm 2-3 tiếng ngày mà mình vẫn phải dành ra 20-30 phút cho những việc linh tinh khác.
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét