Trong ngày Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 được tổ chức ngày 2-3/6 tại Hà Nội nhiều nhà khoa học đã chia sẻ tâm tư.
GS.TSKH Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội: Cần tạo lập một xã hội trân trọng hoạt động KHCN, nhà khoa học
Theo GS Vũ Hoan, những người làm khoa học thường ít khi nói về những công việc của mình đã làm, về những kết quả mà mình đã góp phần xây dựng cũng giống như lĩnh vực KHCN luôn làm nền tảng để hỗ trợ cho những ngành kinh tế - xã hội phát triển.
Những người làm khoa học và công nghệ vẫn đang âm thầm nhưng nhiệt huyết cống hiến trí tuệ và sức lực của mình cho nền khoa học công nghệ đất nước.
GS.TSKH Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp hội Hà Nội |
Chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay đối với KH&CN cũng như đối với các nhà khoa học đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên cần một tiêu chí đánh giá đúng hoạt động sáng tạo và tôn trọng các nhà trí thức, các nhà khoa học.
Cần tạo lập một xã hội trân trọng hoạt động KHCN, trân trọng các nhà khoa học. Thấy được vị thế của nhà khoa học và hoạt động KHCN trong xã hội, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành.
GS.TS Phạm Thị Thùy, Giám đốc Trung tâm Sinh học nông nghiệp và bảo vệ môi trường: Xã hội hóa hoạt động KHCN cần sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ
Có thể thấy thời gian qua việc ứng dụng hoạt động KHCN để phát triển nông nghiệp còn bộc lộ nhiều yếu kém. Nhiều loại nông sản của Việt Nam sức cạnh tranh kém, sản phẩm chỉ dừng lại ở giá trị thấp, giá thành sản xuất cao thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường.
GS.TS Phạm Thị Thùy được coi là nhà khoa học của nông dân |
Nguyên nhân của việc này có thể thấy việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng còn nhiều vấn đề cần bàn, trong đó phải nói tới hoạt động xã hội hóa KHCN bởi không phải lúc nào ngân sách nhà nước cũng đủ và sẵn sàng cho các hoạt động này.
Tuy nhiên kết quả xã hội hóa KHCN tùy thuộc rất lớn vào nhận thức và cơ sở pháp lý cần thiết cho việc triển khai các hoạt động KHCN, vào sự hưởng ứng của doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu KHCN, sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền cũng như sự quản lý thống nhất của các ngành kỹ thuật địa phương, sự phối hợp tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ (NGO), các hội, hiệp hội, liên hiệp hội và các tổ chức chuyên ngành khác có liên quan cùng tham gia vào quá trình này.
Môi trường KHCN rất quan trọng, muốn xã hội hóa hoạt động KHCN thành công đòi hỏi người quản lý phải có tâm, có nhận thức đúng, không có tư tưởng vụn vặt, xa rời chủ nghĩa cá nhân, có tầm nhìn xa, biết tôn trọng sức mạnh tập thể thì mới quản lý tốt khoa học ứng dụng vào sản xuất của địa phương mình.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Điều chỉnh để hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội hiệu quả
Để hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) của Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam cũng như các hội thành viên đạt hiệu quả cao, chúng tôi xin đưa ra vài điểm kiến nghị.
Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng |
Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 45/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Quyết định 14/QĐ-TTg ngày 12/2/2014 theo hướng dẫn: quy định loại dự án bắt buộc phải có TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội và các hội thành viên, trong đó quy định rõ:
-Việc cung cấp thông tin, tư liệu
- Tiến hành điều tra thu thập số liệu
- Quy định thời gian hoàn thành
- Quy định kinh phí đảm bảo thực hiện
- Phân cấp dự án Trung ương, địa phương cho các tổ chức ở Trung ương và địa phương
- Quy định việc giải trình những ý kiến còn khác nhau.
Ban Bí thư định kỳ 6 tháng tổ chức buổi làm việc với Lãnh đạo Liên hiệp hội để lắng nghe phản ánh các kiến nghị, giải pháp về các vấn đề xã hội quan tâm.
Về phía Liên hiệp hội và các hội thành viên cần hết sức chủ động đề xuất các vấn đề xã hội quan tâm để TVPB&GĐXH với các cơ quan hữu quan, lập kế hoạch tổ chức thực hiện.
Phát huy truyền thống 30 năm, với sự nhiệt tình quan tâm của các nhà khoa học, chúng tôi tin rằng qua Đại hội VII Liên hiệp hội trong thời gian tới hoạt động TVPB&GĐXH đạt được nhiều kết quả hơn.
Bích Ngọc (ghi)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét