Trên đường từ Nagoya về Sydney qua Singapore, tôi đọc được một bản tin thú vị về y đức và giải phẫu thẩm mĩ. Câu chuyện gây ra tranh cãi ở Singapore. Martin Huang (tôi có thể nêu tên vì báo chí đã nêu tên) là một chưng sĩ thẩm mĩ ở Singapore. Ông tiêm các tế bào lấy từ phôi của cừu vào 3 bệnh nhân để làm cho họ trẻ lại. Ông cho biết đã từng nghiên cứu trên chuột, và từng tiêm tế bào của phôi cừu cho chính ông. Ông tin vào việc mình làm, tạm gọi là tế bào trị liệu, vì ông nghĩ rằng mình đem lại lợi ích cho bệnh nhân
Tuy nhiên, Bộ Y tế Singapore chất vấn phẫu thuật của ông. Theo Giáo sư Satku, giám độc y tế vụ của Bộ Y tế Singapore, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy tế bào trị liệu có thể trẻ hóa người già. Những gì Bs Huang mô tả là nghiên cứu thật ra chẳng phải là nghiên cứu có giá trị khoa học gì cả, vì ông chưa bao giờ và cũng chưa đủ tư cách khoa học để thực hiện nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên. Quan trọng hơn, Bộ Y tế rất quan tâm đến an toàn của bệnh nhân, vì trong quá khứ đã có báo cáo (không phải từ trung tâm của Bs Huang) là bệnh nhân được điều trị bị bất tỉnh và mang thương tật suốt đời vì tế bào trị liệu.
Câu chuyện ra đến hội đồng y khoa. Kết quả là Bs Huang bị phê bình nặng nề, bị phạt nặng, và rút bằng hành nghề một thời gian. Lí do (hay tội) mà hội đồng y khoa đưa ra là Bs Huang điều trị bệnh nhân không dựa vào bằng chứng khoa học.
Tôi nghĩ câu chuyện cũng có liên quan đến Việt Nam, bởi vì ở nước ta có nhiều chưng sĩ không dựa vào bằng chứng khoa học để điều trị bệnh nhân. Thời gian gần đây, có vài chuyên gia đề nghị sử dụng tế bào gốc để điều trị một số bệnh mãn tính. Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy điều trị bằng tế bào gốc đem lại lợi ích cho bệnh nhân. Những thành công (hay thất bại) trong vài ca bệnh không thể xem là bằng chứng khoa học. Những ý kiến của các chuyên gia, cho dù là được quảng cáo “chuyên gia hàng đầu” hay “chuyên gia đầu ngành”, không thể và không bao giờ được xem là bằng chứng khoa học. Lí do đơn giản là chuyên gia, bất cứ ở vị tí nào, cũng rất dễ phạm phải sai lầm và sai lầm thường xuyên. Do đó, trước một thuật điều trị mới, hàng loạt vấn đề cần phải đặt ra: bằng chứng khoa học ra sao, lợi ích và nguy cơ biến chứng là gì, chi phí điều trị như thế nào.
Giáo sư Satku nhắc nhở rằng chưng sĩ phải nhận thức rằng họ ở một vị thế đặc quyền trong xã hội, bởi vì bệnh nhân tin tưởng vào chưng sĩ và kì vọng rằng chưng sĩ thông thạo về khoa học, rằng chưng sĩ sẽ đặt lợi ích của bệnh nhân trên tất cả những quyền lợi khác. Nếu chưng sĩ không nghĩ đến điều này và hành động một cách phi khoa học, hay không dựa vào bằng chứng khoa học, thì tư cách và y đức của người chưng sĩ có vấn đề. Điều trị bệnh nhân không dựa vào bằng chứng khoa học là thiếu y đức. Theo Hải Thượng Lãng Ông, người thầy thuốc thiếu y đức còn tệ hơn là bọn lưu manh và ăn trộm!
Nhưng để có bằng chứng, chưng sĩ cần phải tiếp cận với y văn mới nhất trên thế giới. Ở nước ta, tiếp cận y văn quốc tế là một vấn đề nan giải. Không phải VN quá nghèo để không có đường truyền internet, mà là các đại học và bệnh viện VN không chịu đầu tư thích đáng vào nghiên cứu khoa học, dịch vụ thư viện đại học và internet. Có dự hội nghị y khoa ở VN mới thấy một điều đau buồn là diễn giả chỉ oang oang lặp lại những gì đồng nghiệp phương Tây làm, mà nhiều khi họ cũng không hiểu đúng kết quả (vì họ đâu có tham gia vào công trình nghiên cứu). Nói cách khác, họ là những người đọc báo. Rất rất hiếm chưng sĩ VN làm nghiên cứu, có lẽ do thiếu đầu tư từ Nhà nước. Vì ít làm nghiên cứu nên họ không có bằng chứng ở người Việt và vận dụng cho người Việt.
Nhìn vào thư viện của các đại học y thuộc vào hàng “lớn” ở VN người ta chỉ lắc đầu vì phương tiện quá nghèo nàn. Tạp chí y học chỉ le ngoe vài tờ (mà lại rất cổ xưa chẳng ai thèm để ý đến), sách quá ít mà lạc hậu cả 40 năm, đường truyền internet thì chập chờn và không đáng tin cậy, v.v… Với cơ sở vật chất như vậy thì làm sao chưng sĩ VN có thể sánh vai cùng đồng nghiệp trên thế giới?
Thành ra, nói đến bằng chứng khoa học mà không nói đến đầu tư cho cơ sở vật chất thì chưa đầy đủ được. Vấn đề là … cơ chế.
NVT
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét