Đôi dòng về "Người bệnh cuối ngày"

Tôi gặp anh lần đầu tiên chắc cũng trên 2 năm. Hôm đó, sau một ngày làm việc mệt nhòi và gần khan tiếng, một người bạn báo chí rủ đi ăn tối ở một nhà hàng bình dân nhưng nổi tiếng trên đường Nguyễn Thị Diệu. Bạn tôi nói như hứa hẹn: “hôm nay ông sẽ gặp một người thú vị lắm”. Khoảng chục phút sau, anh xuất hiện trong bộ đồ casual thanh lịch. Chúng tôi, bọn đàn ông, nói chuyện rôm rả như đã quen biết nhau từ độ nào! Nói là "anh", nhưng anh còn trẻ hơn tôi nhiều. Sau này tôi mới biết anh là bạn học cùng khóa với một người bạn đang làm nghiên cứu với tôi. Từ đó đến nay thỉnh thoảng về Việt Nam tôi vẫn tìm cách gặp anh và bạn bè để nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Vài tháng trước khi gặp nhau ở nhà anh, tôi mới biết là anh sắp in một cuốn sách nhưng chưa biết tên, thậm chí chưa biết nhà xuất bản có in hay không. Nay thì tác phẩm Người bệnh cuối ngày đã ra mắt bạn đọc. Đối với anh và trong bối cảnh hiện nay, sự ra đời của cuốn sách có thể xem như là [nói theo ngôn ngữ cách mạng một chút]… một thắng lợi. Mà, nãy giờ tôi quên nói anh là ai! Xin thưa, “anh” ở đây là chưng sĩ Lê Đình Phương.


Bs Lê Đình Phương (ảnh của báo TT&VH)

Tuy gặp ngoài đời chỉ độ trên 2 năm, nhưng Phương và tôi “gặp nhau” trong ý tưởng và tầm nhìn thì chắc lâu lắm rồi. Mấy năm trước, tôi đọc được một ý kiến ngắn của Phương trên Người lao động mà trong đó anh phê bình tờ báo tiết lộ danh tánh của bệnh nhân, và qua đó anh nhắc nhở về nguyên tắc bảo mật cho bệnh nhân để giới báo chí Việt Nam biết. Đọc ý kiến ngắn đó tôi thấy cứ như là anh đã nói dùm cho rất nhiều người không có cơ hội lên tiếng. Trong vụ dịch tả (mà Bộ Y tế có cách gọi bằng mĩ từ “bệnh tiêu chảy cấp nhiễm vi khuẩn tả”), Phương còn lên tiếng bàn về tên gọi và nhất là khuyến cáo “Tiền là thủ phạm lây lan tiêu chảy cấp” do một quan chức của Bộ phát biểu. Không hẹn nhau và hoàn toàn độc lập với nhau, chúng tôi (Phương, Nguyên và tôi) có cùng ý kiến và quan điểm về chuyện này. Thế là chúng tôi được đưa vào danh sách “cừu đen” của các quan chức y tế. Không dừng ở danh sách “cừu đen”, người ta còn cho người chấp bút viết một bài chỉ trích cá nhân chúng tôi rất nặng nề ngay trên tờ báo của Bộ Y tế, với cảnh cáo mang nặng sắc thái cửa quyền: không được phê bình chính sách của Bộ Y tế! Chúng tôi phản biện lại bài viết đó và chỉ ra những lỗ hổng về kiến thức cơ bản trong bài đó (nhưng chẳng báo nào chính thức đăng tải), còn Phương thì im lặng, vì anh cho rằng tác giả đó không đáng để anh phản hồi. Anh hành xử theo thái độ của kẻ sĩ.

Phương không chỉ là chưng sĩ mà còn là một trí thức đúng nghĩa với hai chữ này. Anh quan tâm đến những vấn đề xã hội, những “điều trông thấy mà đau đớn lòng”, kể cả chuyện y đức đang rất ồn ào hiện nay, và chuyện thời sư mà cả nước quan tâm nhưng ít khi nào được báo chí chính thống nhắc đến. Có nói chuyện với Phương mới thấy anh là người rất mẫn tiệp, chính trực, và thẳng thắn trong việc đãi đằng chính kiến của mình. Tôi thích Phương một phần là ở tính thẳng thắn này. Tôi thấy Phương là người có thể tranh luận, vì anh biết văn hóa tranh luận. Có lúc anh thấy sự việc xảy ra trước mắt mình mà mình chẳng làm gì được, anh tỏ ra rất sôi nổi đến độ bức bối. Đôi khi, Phương đãi đằng sự bức bối của mình qua trang giấy (hay trên bàn phím), và đãi đằng một cách gay gắt theo tỉ lệ thuận với cường độ của vấn đề. Mà, anh thì có nhiều câu chuyện bực bội vì chính anh là người trong cuộc, phải đối diện với những điều trái tai gai mắt hàng ngày trong suốt … đời. Như câu chuyện anh thuật lại câu chuyện về một viên phó phòng tổ chức của một bệnh viện lớn ở VN với nhận xét rất trần tục như thế này “ĐM, BS trẻ chúng mày ngu bỏ mẹ. Khoa ấy có đ. gì để ăn mà cứ xin vào đấy?” rồi anh phải cắn răng chịu đựng cái nhục: “Về nhà, nhục nhã, uất ức, nhìn con thơ đang ngủ mà phải cắn răng lại để khỏi trào nước mắt vì tủi nhục. Không chìu lòn chúng nó, bố tìm đâu ra việc để kiếm tiền mua sữa cho con. Tội nghiệp con, và tội nghiệp cả bố nữa, con trai ạ! Một gã thất phu như thế, lại được trọng dụng, cất nhắc nắm sinh mệnh khoa học (và cả sinh mệnh chính trị) của hơn ngàn BS, bạn có tin nổi không?”

Ở Nhà phương có cái đàn piano, mà tôi đoán có lẽ là người bạn để anh “hạ nhiệt” trong những ngày phải chứng kiến “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Hình như trong Phương, cái sôi nổi trong tranh luận được quân bình lại bằng cái mẫn cảm của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ nghiệp dư thôi, nhưng cũng đủ để làm nghệ sĩ thứ thiệt khi cần! Phương mê Chopin và những bài ballade của nhạc sĩ thiên tài này. Cái con người nghệ sĩ của Phương còn được thể hiện qua một đam mê khác: đó là nhiếp ảnh. Mê đến nỗi anh lấy hiệu máy ảnh nổi tiếng đặt tên cho trang blog của mình: “drnikonian”! Tôi đoán Người bệnh cuối ngày là một kết tinh từ hai đam mê nghệ thuật của Phương.



Làm nghề thầy thuốc mỗi ngày có dịp đối diện với người bệnh và nghe những câu chuyện của họ không chỉ là một đặc quyền, mà còn là một cơ hội lí tưởng để sáng tác. Trong cuốn Illness narrative, tác giả Arthur Kleinman, nhận xét rằng trong khoa học lâm sàng và hành vi không có một phạm trù nào để mô tả sự đau đớn, và cũng không có một phương cách nào để ghi chép cái khía cạnh rất nhân tính này của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Những thước đo dùng để đánh giá chất lượng cuộc sống, triệu chứng, hay mức độ bệnh tật đều thất bại một cách thê thảm, bởi vì những chỉ số lâm sàng này không bao giờ phản ánh được những sự chịu đựng mang tính chất rất riêng tư và rất nội tâm của người bị bệnh. Làm giảm áp suất máu 5 hay 10 mmHg có thể xem là một thành công lâm sàng, nhưng có chắc bệnh nhân cũng có cảm nhận đó hay không? Kéo dài cuộc sống của một bệnh nhân được 6 tháng đang trong tình trạng cuối cùng của căn bệnh có thể là một chiến thắng của y học, nhưng chưa hẳn là chiến thắng của người bị bệnh vì 6 tháng đó có thể là 6 tháng sống trong đau đớn cùng cực.

Đã từ lâu tôi vẫn nghĩ rằng một trong những đề tài phong phú cho văn học là nỗi đau khổ của con người, nhưng lại là đề tài ít được giới cầm bút khai thác. Nói “đau khổ” ở đây, tôi không có ý đề cập đến những nỗi đau trừu tượng, triết lí, kiểu như “thân phận lạc loài”, cô đơn, hoài niệm, bâng khuâng, v.v... mà là sự đau khổ của thđặc xác do bệnh tật gây nên. Đó là những nỗi đau gần gụi nhất với một cá nhân, là cái mà cá nhân con người có thể cảm được, kinh nghiệm qua được. Ấy thế mà kiểm lại số lượng tác phẩm và tác giả viết về đề tài này trong nền văn học Việt Nam, chúng ta thấy sự có mặt của thể loại văn học này cực kì khiêm tốn. Phương là người lí tưởng để ghi lại những nỗi đau khổ trần thế này, vì anh là người trực diện và vật lộn với cái chết và sự sống hàng ngày của bệnh nhân. Tôi hi vọng đóng góp của Phương sẽ là một viên gạch lắp vào khoảng trống của mảng văn học đó. Tôi chắc chắn rằng với tính nhạy cảm của người nghệ sĩ và mẫn tiệp của người thầy thuốc, các bạn sẽ không thất vọng với Người bệnh cuối ngày. Tôi cũng đang tìm đọc cuốn sách này đây, và rất hân hạnh giới thiệu cùng các bạn.

NVT
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét