Nhân giải Nobel 2009 nghĩ về thu hút tài năng

Đêm hôm qua, trên đường đi Nagoya (Nhật) tôi mới biết qua tin tức trên máy bay là năm nay, hai nhà kinh tế học người Mĩ lại chiếm giải Nobel kinh tế. Nhìn qua danh sách những nhà khoa học chiếm các giải thưởng Nobel về y học, vật lí, hóa học, thậm chí hòa bình, tôi nghĩ giải thưởng này riết rồi trở thành một sự kiện mà nói theo tiếng Anh là "American Affair"!


Trong vài năm gần đây, giới quan sát quốc tế bàn về sự suy thoái của cường quốc Mĩ trên trường quốc tế, nhưng hình như người ta không nhắc đến một thực tế là Mĩ vẫn là cường quốc số 1 về khoa học. Trước sự xuất hiện của Trung Quốc như là một đế quốc mới trên trường quốc tế, giới quan sát bi quan (hay lạc quan?) cho rằng thời đại của đế quốc Mĩ sắp chấm dứt. Tuy trong tương lai gần, nước Mĩ có thể không còn giữ địa vị độc tôn về ảnh hưởng chính trị và sức mạnh quân sự, nhưng địa vị số 1 của Mĩ về khoa học và công nghệ thì Trung Quốc khó mà sánh kịp. Bằng chứng sinh động nhất là năm nay là trong số 10 nhà khoa học được trao giải Nobel (không kể giải thưởng về kinh tế và hòa bình), 8 người có quốc tịch Mĩ.

Xu hướng các nhà khoa học Mĩ đoạt giải Nobel càng ngày càng tăng chứ không giảm. Dựa vào dữ liệu của Ủy ban giải Nobel, tôi thấy trong suốt thế kỉ 20 và thập niên đầu thế kỉ 21 này, Mĩ và các nước phương Tây luân phiên nhau chiếm hầu hết các giải thưởng Nobel. Hơn 90% nhà khoa học được trao giải Nobel xuất phát từ 16 nước như sau (theo thứ tự): Mĩ, Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển, Nga, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Đan Mạch, Ý, Áo, Gia Nã Đại, Nhật, Na Uy, Úc và Bỉ. Tính từ 1901 đến nay (2009), trong số 816 người chiếm giải Nobel, 309 người (hay 38%) có quốc tịch Mĩ, kế đến là Anh (114 người hay 14%).

Trong những năm trước thế chiến thứ 2, Mĩ chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số 185 giải, thấp hơn Đức (20%) và chỉ tương đương với Anh (14%) và Pháp (13%). Tuy nhiên, sau Thế chiến thứ 2 (1946-1960), Mĩ đột nhiên nhảy lên địa vị số một, chiếm 45% các giải Nobel, hơn cả Anh (17%), Đức (6%) và Pháp (5%). Mĩ duy trì địa vị này vào những năm 1961 và 1980, trong khi các cường quốc khác không có gì thay đổi quan trọng. Nhưng trong thập niên 80s cho đến nay, số lượng giải Nobel được trao cho các nhà khoa học và văn thi sĩ người Mĩ lên đến 55%, trong khi đó cả ba nước Anh, Đức và Pháp chỉ chiếm 18%. Trong cùng thời gian này, các nước Bắc Âu, Nga, Ý, Thụy Sĩ và Hòa Lan càng ngày càng tụt hậu.

Phân tích theo lĩnh vực khoa học cho thấy Mĩ rõ ràng có thế mạnh về các ngành y học, vật lí và kinh tế học, nhưng lại không ở thế chủ lực về môn hóa học, và yếu về văn học. Tính từ 1969 (khi giải Nobel kinh tế học ra đời), Mĩ chiếm hơn 60% các giải thưởng về kinh tế học! Trong khoảng thời gian 1901 đến nay (ngoại trừ 1940-1942), gần phân nửa trong số các giải thưởng cho ngành y khoa và sinh lí học lọt về tay các nhà khoa học Mĩ hay làm việc ở Mĩ. Tương tự, 45% các giải về vật lí cũng được các nhà khoa học Mĩ thay nhau đoạt giảị Tuy nhiên, trong ngành hóa học, các nước như Anh, Đức và Pháp "thống trị". Về văn học, các nướcAnh, Đức và đặc biệt là Pháp, đứng đầu. Các nhà văn và nhà thơ Pháp chiếm 13% các giải Nobel về văn chương, trong khi đó, Đức và Anh mỗi nước đoạt khoảng 7%, thấp hơn Mĩ (10%). Các nước Thụy điển, Nga, Thụy sĩ, Hoà Lan, Đan Mạch, và Ý cũng có phần tương đối (22%) trong các giải về văn học.

Không phải ngẫu nhiên mà Mĩ trở thành một cường quốc khoa học và là một “hãng” sản xuất những ông tú Nobel. Qua kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ rằng Mĩ đạt được vị trí số 1 trong khoa học ngày hôm nay là do 3 lí do: tiền, tự do, và yếu tố thu hút tài năng từ nước ngoài.

So với các nước no đủ phương Tây, Mĩ là nước đầu tư nhiều cho nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nếu nói về số tiền mà Mĩ đầu tư vào nghiên cứu (hằng trăm tỉ USD) thì sẽ không có ý nghĩa gì mấy, vì Mĩ đông dân và no đủ hơn các nước ở Âu châu. Tôi thấy ở Mĩ, ngoài các cơ quan Nhà nước ra, các công ti kí nghệ và nhiều nhóm từ thiện cũng rất rộng rãi trong việc tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, ở các nước như Úc, nguồn tài trợ cho nghiên cứu khoa học chủ yếu từ Nhà nước, còn giới kĩ nghệ thì phải nói thẳng là họ rất ích kỉ, chỉ lo kiếm tiền chứ không lo đầu tư vào nghiên cứu. Ở Mĩ, khi tôi mới nhận nhiệm vụ vào thập niên 1990s, tôi đã được ngay một tài trợ ‘‘khởi động”, tức là trường đại học cấp cho tôi một số tiền để lập nhóm nghiên cứu. Sau đó, tôi có thể xin tài trợ từ các tổ chức như, tuy phải cạnh tranh, nhưng xác suất thành công vẫn cao hơn NHMRC của Úc. Số tiền mà Mĩ tài trợ cũng cao hơn so với ở Úc. Chẳng hạn như ở Úc, một công trình nghiên cứu y khoa được tài trợ khoảng 150,000 AUD một năm, trong khi đó ở Mĩ con số này gần gấp đôi Úc.

Một điều khác nữa là triết lí đầu tư vào khoa học. Tôi thấy ở Úc, người ta nhấn mạnh đến chất lượng (đồng tiền Nhà nước bỏ ra phải xứng đáng với bát gạo), và vì thế cơ hậu sự trợ đòi hỏi phải có nghiên cứu chất lượng cao thể hiện qua các đo lường như chỉ số H và hệ số impact factor. Còn ở Mĩ tôi thấy họ nhắm đến những đề tài mang tính đột phá cần thời gian dài, và do đó, nhà khoa học không chịu áp lực nặng nề như ở Úc. Người Mĩ có xu hướng làm nghiên cứu đột phá, tiền phong, hơn là theo đuổi những nghiên cứu sản xuất ra những tri thức mang tính bổ sung và nâng cấp. Nói cách khác, nhà khoa học Mĩ có tự do theo đuổi những ý tưởng có thể không “thời thượng” một thời gian lâu dài mà không sợ bị bỏ rơi, trong khi đó ở các nước khác như Úc nhà nghiên cứu phải chạy theo những đề tài thời thượng.

Mĩ đã từng nổi tiếng là một “melting pot” và cho đến bây giờ vẫn xứng đáng với ví von đó. Vào thập niên 1940s đến 1970s, hơn 1/3 các nhà khoa học Mĩ chiếm giải Nobel di dân từ Âu châu, đặc biệt là Đức và Đông Âu (chủ yếu là người gốc Do Thái). Năm nay, trong số 9 người Mĩ được trao giải Nobel năm nay, có đến 5 người là di dân từ nước ngoài: Elizabeth Blackburn (giải Nobel y học, gốc Úc), Jack Szostak (y học, gốc Anh), Charles Kao (vật lí, gốc Trung Quốc), Venkatraman Ramakrishman (hóa học, gốc Ấn Độ), và Ada Yonath (hóa học, gốc Do Thái). Báo chí Úc ca ngợi giáo sư Elizabeth Blackburn như là một người Úc chiếm giải Nobel y học, nhưng điều này không hẳn đúng, vì công trình mà giáo sư Blackburn chiếm giải Nobel là do Mĩ tài trợ và thực hiện ở Mĩ sau năm 1975 khi bà định cư ở Mĩ; Úc không có gì để nói là công trình đó của Úc cả. Tôi nghĩ giáo sư Blackburn nói rất chính xác là Mĩ là nơi lí tưởng để làm khoa học.

Nói chung sự hiện diện của người Á châu trong các giải thưởng Nobel còn rất ư là khiêm tốn. Trong ba quốc gia có người đã từng đoạt các giải này, Nhật có số lượng hùng hậu nhất, kế đến là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, hầu hết những nhà khoa học này thường làm việc ở Mĩ hay Âu châu. Chẳng hạn như 2 nhà vật lí đoạt giải Nobel (1957) người gốc Trung Quốc là Tsungdao Lee và Chen Ning Yang là người của trường Đại học Princeton (Lee) và Columbia (Yang). Bốn vị mang quốc tịch Ấn Độ từng đoạt giải Nobel là Venkatraman Ramakrishman (vật lí, 2009), Amartya Sen (kinh tế, 1998), Chandrasekhara V. Raman (vật lí, 1930), và thi hào Sir Rabindranath Tagore (văn học, 1913). Ngoại trừ thi hào Tagore, các giáo sư Sen và Raman đều được giải nhờ vào các công trình nghiên cứu ở Anh và Mĩ.

Việt Nam ta chưa có ai được tặng giải Nobel trong các ngành khoa học hay văn chương. Với tình hình hiện nay và kinh nghiệm trong quá khứ, tôi nghĩ chúng ta không nên mơ mộng (chứ chưa nói đến mục tiêu) đến giải thưởng này. Tôi nghĩ nền khoa học của Việt Nam (nếu có cái gọi là “nền khoa học”) xuất phát từ một điểm quá thấp, gần với con số không. Do vậy, ưu tiên trước mắt là xây dựng từ nền móng, từ cái căn bản nhất trong hoạt động khoa học. Đó là hệ thống tổ chức gọn nhẹ, tài trợ cho nghiên cứu sao cho công bằng, nuôi dưỡng tài năng, và nhất là tạo ra được một văn hóa khoa học. Kinh nghiệm của tôi ở trong nước cho thấy ở nhiều nơi vẫn chưa có cái văn hóa khoa học! Nói đến thu hút tài năng, tôi chợt nhớ đến mấy năm gần đây, Nhà nước nói nhiều đến việc thu hút tài năng, chuyên gia Việt kiều, này nọ, v.v… nhưng hình như chỉ nói cho có nói thôi, chứ trong thực tế thì chưa có một phương án nào để thực hiện ý định đó cả. Chẳng có bao lăm Việt kiều dám dấn thân về nước làm việc lâu dài. Đụng đến cái hệ thống “hành là chính” thì bị dội ngay từ giây phút đầu rồi, nói gì đến chuyện khác xa xôi.

Thực ra, quan niệm trọng người tài đã được tiền nhân ta đề cập hơn 600 năm về trước; họ đã từng khắc trên bia một câu văn tâm huyết "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu." Cách đây không lâu, một nhà khoa bảng trong nước có viết một bài về tình trạng giáo dục ở Việt Nam, mà tôi xin trích ra đây một đoạn để làm đoạn kết cho bài viết này: "Thời đại này, dân tộc nào không huy động được tiềm năng trí tuệ của bản thân ắt phải lệ thuộc vào trí tuệ kẻ khác và sẽ dễ dàng bị nhận chìm trong trào lưu toàn cầu hóa kinh tế đi đôi với cạnh tranh ác liệt là xu thế không đảo ngược của thế kì tới. Trong cuộc chiến để giành chỗ đứng xứng đáng với tầm vóc dân tộc trong một thế giới như vậy, chỉ có một chiến lược khả dĩ thành công, đó là dựa vào trí tuệ và tài năng để khắc phục những yếu kém khác." Đây cũng là một lời cảnh cáo cho những ai còn quan tâm tới vận mệnh của Việt Nam trong thế kỉ 21.

NVT
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét