Hôm trước tôi thấy bài này do một phóng viên ghi chép lại những phản ảnh của anh Huỳnh Hữu Tuệ (Đại học tư thục và những sự áp đặt). Những phản ảnh và nhận xét hết sức … sống động. Xin trích vài câu:
“Thứ nhất, về chuyện áp đặt chương trình khung. Thử đặt vấn đề Bộ có đủ chuyên viên để viết hết các chương trình không, hay giao cho một chuyên viên viết? Mặt khác, một chuyên viên có viết nổi một chương trình đào tạo ĐH không?”
Đúng quá. Đọc đoạn này tôi mới biết là Bộ GDĐT ôm đồm đến nổi đòi soạn chương trình cho giáo dục đại học. Trời ạ! Có lẽ các quan chức không có chuyện gì làm nên mới tiêu thì giờ làm cái “chuyện không thể” như thế?
“Để “phản biện” chương trình của chúng tôi, phải là những người có chuyên môn cao mới đủ sức thẩm định. Đằng này, ban kiểm soát xuống nhìn, nói chương trình thiếu cái này cái nọ, thêm cái này cái kia. Làm việc như thế, về mặt khoa học rất lệch lạc. Nếu thẩm định về vốn đầu tư, về lực lượng cán bộ, là một nhẽ; nhưng thẩm định về giá trị của một chương trình, thì cần phải nghiêm túc hơn rất nhiều.”
Chính xác như thế. Tôi muốn thêm là cần phân biệt giữa góp ý và phản biện. Ai cũng có thể góp ý, nhưng không phải ai cũng có khả năng phản biện. Chỉ có người trong ngành nghề mới có khả năng và kiến thức để đánh giá và phản biện một chương trình đào tạo.
“Thứ hai, về cơ cấu tổ chức, cũng có sự can thiệp khá sâu. Cái này tôi hoàn toàn không hiểu. Đã cho trường tư thục hoạt động, lại hoạt động như một công ty kinh doanh, tại sao Hiệu trưởng của một trường đại học tư thục phải được Bộ công nhận?”
Thói bao cấp! Trời ơi, đọc đến đây sao tôi thấy nản quá. Chẳng có gì gọi là “đổi mới” cả. Hay là họ đòi phải có đảng viên? Nhưng là đại học tư thì chắc tiêu chuẩn này đâu cần thiết. “Công nhận” có nghĩa là gì? Nhưng dù là gì đi nữa, thì việc dành quyền “công nhận” là Bộ quá xem thường hội đồng quản trị của trường.
“Trong quá trình cải cách hành chính, tôi nghĩ Bộ nên giải phóng nhiều hơn nữa những cơ chế mà chuyên viên của Bộ đã đặt ra. Đã là một tổ chức tư nhân, thì mọi quyết định về tổ chức, về nhân sự phải do chính Hội đồng quản trị của tổ chức đó chịu trách nhiệm.”Đồng ý 100%. Xu hướng của thời đại hiện nay là tự chủ, tự quản. Ngay cả những nước có truyền thống quản lí tập trung như Singapore, Nam Phi mà họ cũng phải công nhận cơ chế tự quản có hiệu quả hơn nhiều cơ chế của Việt Nam hiện nay. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học về vấn đề này, chẳng cần nhắc lại làm gì. Điều này một lần nữa cho thấy Bộ GDĐT có vẻ lạc hậu so với lề lối quản lí đại học trên thế giới.
“Trong xã hội mình, bất cứ tình huống nào cũng tìm được cái sai. Với “cái sai” đó, người ta có thể trừng phạt mình bất cứ khi nào.
Sai ở chỗ nào ư? Ở nước này, làm gì cũng có thể sai.
Đằng này, luật mới ra chưa chắc đã triệt tiêu luật cũ. Người nào muốn sử dụng luật cũ để phê phán tình hình mới vẫn có quyền. Không cách gì gỡ nổi.
Vì cơ chế nhập nhằng, nên người ta đấu tranh nhau về quyền lực và tiền bạc. Nhìn mặt nào, người ta cũng có cái lý riêng. Mà như thế thì cuối cùng ai có ưu thế về vị thế chính trị thì sẽ thắng.”
Sợ nhất là sự tùy tiện này. Muốn nói sao thì nói! Muốn biến đúng thành sai, hay ngược lại, người ta có thể phù phép luật cũ, luật mới, luật … cá nhân để đạt mục tiêu. Có lẽ chính vì điều này mà bao lăm người có lòng về VN một thời gian đụng cái cơ chế này đều bỏ chạy lấy người. Anh Tuệ đã “trụ” được đến bây giờ làm cho bao lăm đồng nghiệp ngoài này phải thán phục.
“Bây giờ mình cần trí thức, cần suy nghĩ và phản biện về những vấn đề mà nhà nước đang đối mặt. Đặt giả thiết, nếu mọi chuyện là để phục vụ chính trị thì chúng ta có thể ngừng ở đây, không cần tiếp tục thảo luận nữa. Còn nếu tất cả mọi hoạt động là nhằm phục vụ quá trình tiến lên của xã hội, thì chúng ta mới tiếp tục nói chuyện được. Đây không phải là vấn đề chính trị hay phản biện gì cả, đây là nói chuyện thuần tuý về trách nhiệm của trí thức.”
Hoan hô anh Tuệ!
NVT
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét