Truy tìm ung thư và thông điệp một chiều

Hôm nay, một nhóm chưng sĩ Úc kêu gọi đàn ông dưới 40 tuổi nên đi xét nghiệm PSA thường xuyên để phát hiện ung thư tiền liệt tuyến. Trong khi đó, hôm qua tập san JAMA của Mĩ công bố một nghiên cứu qui mô cho thấy truy tìm ung thư bằng xét nghiệm PSA không hẳn đem lại lợi ích cho người dân.

Trong nỗ lực phòng ngừa ung thư, các nước phương Tây đã phát động nhiều chương trình truy tìm ung thư trong những người chưa có triệu chứng ung thư. Những chương trình này thường được gọi [bằng tiếng Anh] là “cancer screening”. Phụ nữ có tuổi (từ 40 trở lên) được khuyến khích tham gia vào những chương trình như thế để truy tìm ung thư vú bằng quang tuyến (còn gọi là mammography) hay ung thư cổ tử cung bằng thử nghiệm pap smear, và đàn ông thì được khuyên nên xét nghiệm chẳng hạn như PSA thường xuyên để phát hiện ung thư tiền liệt tuyến.

Cái logic đằng sau các chương trình truy tìm ung thư này rất đơn giản: phát hiện ung thư sớm sẽ có cơ hội điều trị kịp thời; và điều trị sớm cũng có nghĩa là xác suất cứu sống bệnh nhân tăng lên. Nhiều tờ rơi hiện nay quảng cáo rằng phụ nữ trên 40 tuổi thường xuyên xét nghiệm mammography sẽ giảm nguy cơ tử vong 20% so với phụ nữ không xét nghiệm thường xuyên.

Chính vì cái thông điệp đó từ các cơ quan y tế Mĩ mà phần lớn công chúng và ngay cả một số đông chưng sĩ tin rằng truy tìm ung thư sớm là một phương án cứu sống bệnh nhân và kéo dài tuổi thọ cho cộng đồng. Nhưng sự thật thì không hẳn như thế, mà phức tạp hơn nhiều. Những ai từng theo dõi hay biết về “cơ chế” của các chương trình truy tìm ung thư (cancer screening) đều biết rằng còn rất nhiều bất định về lợi ích và rủi ro của những chương trình này, chứ không phải “clear cut” như nhiều người lầm tưởng.

Sự thật là thế này: cần phải xét nghiệm mỗi năm (hay mỗi 2 năm) 1000 phụ nữ tuổi 50 trở lên liên tiếp trong vòng 10 năm có thể giảm 1 ca tử vong từ ung thư vú so với những phụ nữ không tham gia vào chương trình truy tìm ung thư.

Còn nam giới? Kết quả nghiên cứu không mấy rõ ràng. Theo một nghiên cứu từ Mĩ, không có khác biệt gì về tử vong giữa nhóm đàn ông tham gia vào chương trình truy tìm ung thư tiền liệt tuyến và nhóm đàn ông không tham gia vào chương trình này. Một nghiên cứu khác ở Âu châu cho thấy đàn ông thường xuyên xét nghiệm PSA có tỉ lệ tử vong là 2.4%, còn nhóm không tham gia xét nghiệm thường xuyên có tỉ lệ tử vong là 3%, một khác biệt chỉ 0.6%, tức không có ý nghĩa lâm sàng.

Cũng như bất cứ chương trình y tế cộng đồng nào, chương trình truy tìm ung thư cũng có rủi ro và tác hại. Cứ mỗi 1000 phụ nữ khỏe mạnh tham gia chương trình truy tìm ung thư vú thì có 500 người sẽ bị căng thẳng vì kết quả dương tính giả (tức là kết quả xét nghiệm là dương tính nhưng sự thật là họ không mắc bệnh), và 180 người sẽ trải qua sinh thiết một cách không cần thiết. Ngoài ra, trong số 100 phụ nữ được báo là có kết quả dương tính ung thư vú, thì có đến 30 người có ung thư phát triển chậm tức chẳng đe dọa gì đến tính mạng của họ. Xét nghiệm càng nhiều (theo định kì), tỉ lệ dương tính giả càng tăng.

Đối với đàn ông, rủi ro và tác hại (như bất lực và incontinence) còn nhiều hơn nữ, bởi một phần là phương pháp xét nghiệm PSA không chính xác. Vì PSA thiếu tính chính xác cho nên dẫn đến nhiều kết quả dương tính giả và âm tính giả (kết quả xét nghiệm là âm tính nhưng bệnh nhân thật sự mắc bệnh). Trong xét nghiệm PSA cùng với các phương pháp xét nghiệm hiện hành khác, có đến 2 phần 3 bệnh nhân được phát hiện bị ung thư tuyến tiền liệt đã ở trong thời kì không còn chữa trị được nữa. “Chữa trị” ở đây có nghĩa là cắt bỏ cái tuyến tiền liệt. Trong các bệnh nhân này, cắt bỏ tuyến tiền liệt sẽ chẳng đem lại lợi ích thực tế nào cho bệnh nhân. Câu hỏi được đặt ra, do đó, là phát hiện chứng ung thư tuyến tiền liệt sớm để làm gì? Việc làm này đem lại lợi ích cho ai và làm tổn hại ai? Tăng cường thử nghiệm PSA có thực sự cứu được nhiều bệnh nhân không/

Nhưng một điều đáng quan tâm là nhiều người khi tham gia vào các chương trình truy tìm ung thư không hề biết đến rủi ro và tác hại! Lí do là những người quảng bá các chương trình truy tìm ung thư này chỉ tuyên truyền một chiều, chỉ nói về lợi ích, mà không nói đến tác hại có thể xảy ra.

Nhưng qua những bằng chứng khoa học mới nhất, các giới chức y tế đã nhận thức rằng lợi ích các chương trình truy tìm ung thư đã bị thổi phồng quá đáng. Và, một trong những thủ phạm của sự thổi phồng này không ai khác hơn chính là giới y tế. Một chuyên gia của Viện Y tế Mĩ nói rằng giới y tế cần phải thành thật với công chúng những gì mà họ (giới y tế) biết và những gì họ không biết.

Không ai khuyến cáo rằng phụ nữ nên ngưng khám định kì mammography, hay đàn ông nên ngưng xét nghiệm PSA định kì; mục tiêu lâu dài là thông báo cho công chúng biết những thông tin mới nhất về lợi ích và rủi ro trong các chương trình truy tìm ung thư. Nhận thức về lợi ích và rủi ro tùy thuộc vào hoàn cảnh từng cá nhân. Do đó, quyết định có tham gia vào những chương trình này hay không là của từng cá nhân, chứ không thể là của giới chức y tế hay của bất cứ một giáo sư nào.

NVT
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét