Nhật kí Saudi Arabia 5. Singapore Airlines

Hôm nay rảnh, kể chuyện đi … máy bay. Hôm đi công tác bên Saudi Arabia, sau một thời gian suy tính, tôi chọn đi với hãng Singapore. Qua chuyến đi, tôi lại có chuyện để nói, để suy ngẫm sự đời.


Tôi đi bằng máy bay Airbus A380 mới toanh của hãng Singapore Airlines (SA), và phải nói là tôi rất hài lòng với hãng này. Tôi là khách hàng thường xuyên của hãng SA, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi với vé hạng nhất (First Class) của hãng, và thấy cũng cần ghi lại một số đặc điểm độc đáo của hãng hàng khôg danh tiếng này. Trước đây, tôi đã nói về loại ghế hạng nhất của Thai Airways và hạng thương gia (Business Class) của hãng United Airlines, Cathay Pacific, Vietnam Airlunes, và SA, nhưng tất cả các hạng ghế của các hãng đó không thể nào so sánh được với ghế hạng nhất của SA. Không thể nào so sánh được. Đúng như SA quảng cáo, ghế hạng nhất của họ là lớn nhất và thoải mái nhất trên thế giới, và bây giờ thì tôi có thể làm chứng đó là lời quảng cáo không ngoa chút nào. Mỗi hàng ghế của A380 chỉ có 4 ghế: 2 ghế bên hai cửa sổ và 2 ghế chính giữa (thông thường là 4 ghế bên 2 cửa sổ và 3 ghế hàng chính giữa), do đó không ngạc nhiên chút nào khi thấy ghế của SA rộng rãi hơn nhiều.

Cách sắp xếp ghế của SA cũng rất tiện nghi. Không giống như cách sắp thiết kế của Cathay Pacific hay United Airlines, các ghế hạng thương gia được sắp xếp xéo, và diện tích tương đối nhỏ; cách thiết kể của SA theo hình dạng của một cubicle, tức là hình chữ nhật, nhưng ghế có thể “biến thể” làm thành một cái giường ngủ rất thoải mái. Ghế có tất cả những thứ mà hành khách cần: ổ điện cho máy tính laptop với tất cả các loại powerpoint trên thế giới, tủ để giấy tờ và tạp chí hay báo, chỗ để vật dụng cá nhân, chỗ để giấy dép, v.v… Nói tóm lại, nó như là một cái nhà thu nhỏ!

Trú ngụ trong cái “nhà nhỏ” đó chẳng những tiện nghi mà còn được phục vụ tận tình. Tôi đã nói qua cách phục vụ nhiệt tình của các tiếp viên Cathay Pacific, nhưng tôi phải nói ngay rằng phong cách phục vụ của tiếp viên SA còn hơn Cathay Pacific một bậc. Ngay từ khâu check-in, họ dã chu đáo hỏi tôi về thói quen ăn uống (như có ăn chay hay không, và dùng rượu gì), cho nên khi bước lên máy bay tiếp viên đã biết sơ sơ về thói quen của tôi. Họ thậm chí còn biết title của tôi là gì, và xưng hô lúc nào cũng “Professor Nguyen” hay “Dr Nguyen” làm tôi thấy kì kì, và tự hỏi tại sao họ lại phân biệt giai cấp như thế. Có một điều tôi ngạc nhiên là khi một chị tiếp viên (có lẽ) đi duyệt danh sách khách, và nói một câu xã giao chào đón khách, như “Welcome aboard, Mr. XYZ”, khi đến tôi chị ấy phát âm họ “Nguyen” rất chuẩn, với dấu ngã đàng hoàng. Tôi tự thắc mắc hoài làm sao một người ngoại quốc có thể biết cách phát âm chữ “Nguyễn”, hay là cô ấy là người Việt Nam, nên bằng mọi giá phải tìm hiểu cho biết. Chờ đến khi các khâu ăn uống xong xuôi, tôi lang thang đến chỗ các tiếp viên nghỉ ngơi để gặp chị ấy, và hỏi tại sao chị biết cách phát âm tên tôi quá chuẩn. Hóa ra, chị ta có chồng là người Việt và mang họ Nguyễn. Phải nói rằng trong suốt chuyến bay tôi được “chăm sóc” rất tử tế, phải chăng đó là cách mà chị ấy đối xử với một đồng hương bà con xa?

Chuyến bay từ Singapore đến Jeddah qua Abu Dhabi cũng để lại một ấn tượng tốt về tiếp viên của Singapore Airlines. Máy bay ngừng ở Abu Dhabi khoảng 1 giờ để thay đổi phi hành đoàn và tiếp tế thức ăn. Dù chẳng quen biết gì với các tiếp viên, nhưng tôi thấy có chút gì lưu luyến khi chia tay những tiếp viên nữ đẹp như tiên hay những tiếp viên nam rất tử tế và thân thiện này. Trong chuyến bay này tôi thấy có một người tiếp viên trưởng (nam) tuổi chắc khoảng 50, rất ư là lịch thiệp và hết lòng giúp đỡ hành khách. Anh ta đi đến từng hành khách trong khoan hạng nhất để làm quen, mà anh ta có rất nhiều chuyện để nói. Với ông hành khách bên cạnh tôi, anh ta nói chuyện thòi tiết; còn với tôi anh ta chuyển sang chuyện bánh mì và rượu. Đương nhiên, anh ta học thuộc lòng tên và danh xưng từng người. Lúc nào cũng Mr. Smith, Mrs Jone, Dr. Nguyen, v.v… Vì tôi có thói quen làm việc trên máy bay và tôi cần một cái adapter cho máy tính xách tay, nhưng vì chuyến bay này họ dùng B777 tương đối cũ (trên 5 tuổi) nên cái powerpoint không thể nào thích hợp cho máy tính của tôi. Anh tiếp viên này loay hoay tìm hết cái adapter này đến cái khác mà không thích hợp, và biện pháp cuối cùng là anh ấy lấy cái máy tính xách tay của anh ta cho tôi sử dụng! Tôi nói không có gì quan trọng đâu, không làm việc thì tôi xem phim giết thì giờ cũng được mà, nhưng anh ta nhất định đưa máy tính xách tay cho tôi, và nói rằng cứ để đó khi nào tôi cần thì tôi sử dụng. Tử tế đến thế là cùng! Ước gì tiếp viên Vietnam Airlines được như thế.

Các món ăn của SA từ món khai vị, món chính, đến món tráng miệng đều có chất lượng cấp nhà hàng sang. Thật vậy, tôi để ý món thịt bò cắt theo kiểu New York và nướng, và nghĩ rằng chắc đây lại là trò nói thậm xưng của các hãng hàng không, chứ làm gì mà họ có thể làm một món như thế. Tuy nghĩ như vậy, nhưng tôi vẫn muốn thử xem có đúng là thịt bò kiểu New York hay không. Tôi thật ngạc nhiên là đúng như thế. Trong chuyến đi về (từ Singapore), họ có món mì nấu với tôm, rất đặc sắc, với chất lượng không kém nhà hàng 5 sao chút nào cả. Món ăn chính được bày ra với đủ thứ “thủ tục” của một nhà hàng loại “up market” làm tôi thật sự cảm kích! Chưa bao giờ ăn một món ăn ngon như thế này trên máy bay. Ngay cả lần đi công tác bên Ý, cũng là ghế hạng nhất (của Thai Airways), nhưng món ăn chính không thể nào bì được với SA. Chưa hết, họ hỏi tôi uống rượu đỏ loại gì, Pháp, Á Căng Đình, hay Úc? Tôi chọn Shiraz của Úc, nhưng họ giới thiệu thêm rằng Shiraz của Argentina cũng ngon không kém. OK, thử cả hai luôn! Món tráng miệng bằng kem, trái cây và cheese của họ đi kém với rượu brandy thì quả là một dấu ấn như là một nốt nhạc finale cho một bữa ăn thú vị. Có thể nói SA tạo cho mình một phong cách đặc thù, một đẳng cấp mà khó có hãng nào có thể cạnh tranh lại.

Các bạn đọc đến đây có lẽ mỉm cười nói rằng tôi “ca” SA quá, nhưng sự thật đó là cảm nhận của tôi sau khi đi qua và có dịp so sánh giữa các hãng hàng không. Ngoài ra, trong chuyến đi này tôi lại có dịp so sánh phòng “Departure Lounge” (tạm dịch là phòng đợi, tức là phòng dành cho hành khách hạng thương gia và hạng nhât) của Singapore Airlines và Cathay Pacific. Tôi thấy phòng đợi của SA có phần nhỏ hơn và thức ăn không phong phú bằng phòng đợi của Cathay Pacific. Ở đây (SA), họ phân biệt phòng đợi dành cho hành khách hạng nhất và hạng thương gia, nhưng Cathay Pacific thì không “phân biệt giai cấp” như vậy.

Đi đâu và làm gì tôi cũng nghĩ đến Việt Nam. Kinh nghiệm qua phong cách phục vụ của tiếp viên SA (những người con gái mà họ quảng bá như là một thương hiệu “Singapore Girl”) tôi liên tưởng đến cách phục vụ của Vietnam Airlines (VNA). Dù biết rằng chất lượng phục vụ của tiếp viên VNA không thể nào so được với SA, nhưng tôi tự hỏi tại sao cũng là người Á châu, cũng da vàng, cũng giông giống văn hóa, mà tiếp viên SA tử tế với khách đến mức độ ngạc nhiên, còn tiếp viên của VNA thì lại không đãi đằng thái độ giúp đỡ hành khách một cách nhiệt tình, thậm chí lạnh lùng và dửng dưng cứ như là phục vụ trên máy bay không phải nhiệm vụ của họ. Vấn đề có lẽ là giáo dục, văn hóa kinh doanh, và tinh thần trách nhiệm. Phần lớn tiếp viên VNA xuất phát từ thành phần COCC, và [nghe nói] một số người phải bỏ ra một số tiền rất lớn để được tham gia đội ngũ tiếp viên, cho nên tâm trí của họ dành cho suy nghĩ làm sao lấy lại số tiền đã bỏ ra, chứ không nghĩ đến làm sao phục vụ hành khách tốt hơn, không nghĩ đến làm sao cạnh tranh với những hãng trong vùng như SA. Âu đó cũng là một xấu số, một nhược điểm của Việt Nam và của VNA.

Trở lại Singapore

Tôi đến Singapore đúng 12 giờ đêm. Tuy nhiên, phi trường Changi vẫn đông người đón thân nhân hay đồng nghiệp. Thủ tục hải quan gọn nhẹ. Không đầy 2 phút tôi đã ra ngoài khu đón taxi. Chiếc taxi Comfort màu xanh (hình như cũng có ở VN) đang chờ tôi chở về khách sạn. Cũng đã hơn 10 năm tôi mới quay lại Singapore, và lần này tôi chú ý biết bao lăm thay đổi của đảo quốc này. Thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Thay đổi đầu tiên mà tôi thấy là phi trường có thêm một sân ga nữa, gọi là Terminal 3 (trước đây phi trường chỉ có Terminal 1 và Terminal 2). Mỗi terminal của họ bằng gấp 5 lần phi trường Sydney. Đường xá Singapore dĩ nhiên là sạch sẽ, với hai bên đường là những hàng cây đan xen vào nhau trông rất đẹp và gần với thiên nhiên.

Bởi vì tôi phải chờ ở Singapore đến 12 giờ đồng hồ, nên tôi yêu cầu phải ngủ trong khách sạn tốt trong khi chờ. Hãng Singapore Airlines sốt sắng cho tôi ở một khách sạn vô danh, và sau khi tìm hiểu trên internet về khách sạn này, tôi không đồng ý. Thế là lại thương lượng qua lại, và cuối cùng họ sắp xếp cho tôi ở khách sạn Carlton. Tôi liền lên internet xem hình dáng khách sạn ra sao thì thấy cũng ok, nên đồng ý. Hóa ra, đây là một khách sạn rất “ngon lành” (5 sao), và tôi hài lòng với lựa chọn này.

12:30 am. Tôi đến khách sạn. Tiền sảnh vắng tanh, nhưng cái bar bên cạnh có vài người đang uống bia và hát karaoke khá ồn ào. Không đầy 2 phút, tôi đã check-in xong và nhận phòng. Nhận phòng xong, tôi thấy … thèm ăn. Tôi để ý chung quanh khách sạn có nhiều hàng quán vẫn còn mở cửa, nên quyết định làm một chuyến ăn tối (hay ăn sáng) cho biết với người ta. Tôi đi bộ vài nước thì đến khu ăn uốn đêm rất nhộn nhịp, với hàng chục quán ăn nhỏ nhỏ tụ tập thành một quần thể chỉ để ăn uống (cũng giông giống như khu Chợ Bến Thành ở TPHCM vậy, nhưng … ở đây họ sạch sẽ hơn). Tôi kêu một tô mì và gan heo để thưởng thức. Ăn hết. Dở. Mì ở đây tồi ơi là tồi. Tôi thấy bàn bên cạnh thực khách vui vẻ uống bia, và để ý thấy một quán bán bia cũng trong quần thể này, và thế là tôi kêu một chai bia ken. Người bán bia là một bà có tuổi chắc chắn là người Tàu, nói chuyện cộc lốc (có lẽ vì thức khuya quá). Một chai bia ken ở đây 5 đôla Singapore, uống cũng tàm tạm, nhưng chưa hẳn là ngon. Lại lang thang vòng quanh mấy con đường chung quanh để tìm hiểu cuộc sống về đêm ở đảo quốc này. Đến khi về phòng ngủ tôi thấy đồng hố đã 2 am!

2/10/09

Sáng mới 7 am, tôi đã thức. Định đi ăn điểm tâm dưới khách sạn, nhưng nhìn qua thực đơn tôi thấy … chán, vì toàn mấy món Tây. Cũng như những lần tôi ở các khách sạn ở Sài Gòn như Equatorial, Sheraton hay Movenpick, tôi thích đi ăn ở ngoài [vừa rẻ hơn lại vừa ngon hơn] nhà hàng trong khách sạn, vì tôi thấy họ nấu cho người Tây phương ăn chứ không phải cho người Việt ăn. Lần này cũng vậy, tôi quyết định đi đến khu phố Tàu (China Town) để ăn sáng. Từ khách sạn Carlton đến khu phố Tàu, tôi chỉ đơn giản đi dọc theo đường Victoria khoảng 5 phút là đến nơi. Tôi phát hiện ra rằng ở Singapore các hàng quán lớn chỉ mở sau 9 hay 10 giờ sáng, cho nên tôi chỉ có thể ăn ở những quán nhỏ mà thôi.

Đến một quán ăn coi bộ sạch sẽ, tôi kêu một li cà phê và một tô mì. Nhăm nhi li cà phê và nhìn dòng người qua lại vào buổi sáng nóng oi bức, tôi thấy cũng thú vị. Tuy nhiên, cà phê ở đây “dỏm” quá, không thể nào so sánh được với li cà phê ở quán cốc Sài Gòn (chứ chưa nói đến các quán cà phê upmarket ở Sài Gòn). Còn tô mì? Cũng dở nốt. Trông tô mì cũng hấp dẫn đó, cũng có rau xanh, gan heo, cật heo, thịt heo, v.v… nhưng chao ôi, nước súp thì mặn quá, và cọng mì thì quá mềm. Tôi nghĩ trên thế giới này chưa có chỗ nào nấu mì điệu nghệ và ngon như ở Việt Nam. Không tin thử vào một tiệm mì bình dân như Dìn Kí thì biết. Còn mì ở đây (và nhiều nơi khác nữa) thì tôi nghĩ tôi nấu có lẽ còn ngon hơn. :-).
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét