Nhật kí Nagoya 3. Từ 0 đến 1 và từ 1 đến 10

Có lần, trong một bữa ăn tối với một giáo sư ở Đại học Nagoya, chúng tôi đàm đạo chuyện đời, và anh ta cứ lặp đi lặp lại thắc mắc: Tại sao người Nhật chúng tôi có thể đi từ 1 đến 10, mà không thể đi từ 0 đến 1. Phải một lúc nói chuyện tôi mới hiểu ý của anh, rằng tại sao người Nhật không có tư duy đột phá như người Âu châu, nhưng rất có khả năng cải tiến những khám phá của người Âu châu rất hay.

Tôi không biết đó là cách nói tự hạ thấp mình hay là cách nói thành thật, bởi vì trong thực tế tôi thấy người Nhật cũng sáng tạo lắm chứ. Tôi nói rằng số bằng sáng minh từ Nhật đứng vào hàng “top 10” trên thế giới, số bài báo khoa học cũng chẳng kém ai, người Nhật cũng chiếm vài giải Nobel. Dù biết rằng con số này chẳng nói lên khả năng khám phá, nhưng vẫn là một chỉ số cho thấy họ cũng chẳng thua kém ai. Tôi yên ủi anh ta rằng Nhật, cũng như dân Đông Á nói chung, là nơi chịu ảnh hưởng văn minh nông nghiệp với an cư lạc nghiệp là chính, tức là thích cái gì ổn định, nên không có nhu cầu sáng chế ra những thứ [mà chúng ta cho rằng hiện đại như ngày nay] như xe hơi, máy bay, tàu vũ trụ, v.v… Chúng ta, những người chịu ảnh hưởng văn minh nông nghiệp, không có tính tấn công vào thiên nhiên vì chúng ta muốn sống hoà thuận với thiên nhiên. Nhưng anh bạn tôi không chấp nhận lí giải đó. Anh ta nói người Nhật vẫn còn kém cỏi quá. Tôi nghĩ anh ta nói người Á châu còn kém cỏi quá. Nhưng nếu Nhật mà kém cỏi thì Việt Nam chắc …

Nhưng đầu óc tôi thì miên man suy nghĩ chuyện khác … Tôi tự hỏi tại sao cũng là người châu Á với nhau mà tập thể người Nhật giỏi hơn tập thể người Việt Nam mình. Trả lời câu hỏi lớn này chắc cần đến cả chục quyển sách nghiên cứu, nhưng qua kinh nghiệm cá nhân, tôi có vài nhận xét theo kiểu “cuỡi ngựa xem hoa” như sau:

Thứ nhất là tinh thần trách nhiệm. Tôi đi đâu cũng thấy người Nhật ở bất cứ vị trí nào cũng làm việc một cách hết sức nghiêm chỉnh. Từ người lái taxi, người đầu bếp, tiếp viên nhà hàng đến giáo sư đại học đều có vẻ yêu thích công việc của họ, họ cần mẫn và chú tâm làm việc của mình. Chẳng hạn như khi tôi hỏi cách đi từ khách sạn đến City Hall bằng xe điện, người bán vé mặc dù không biết tiếng Anh và tôi thì mù tiếng Nhật, anh ta nghiên cứu bản đồ và nói gì đó nhiều lắm rồi chỉ tôi đến chỗ mua vé. Tôi chưa đến chỗ thì anh ta đã bỏ office ra và chỉ tôi đi chỗ khác để mua vé chính xác hơn. Sau này tôi mới biết là anh ta muốn chọn cho tôi một tuyến đường không phải đổi xe điện, còn chỗ tôi đến mua lần đầu là phải đổi xe điện và tôi có nguy cơ bị lạc. Anh ta quả là quan tâm đến việc tôi bị lạc. Trước đây, khi còn ở khách sạn, mỗi buổi ăn sáng tôi nhìn ra đường phố và chú ý đến một ông phu quét đường mà ấn tượng đẹp về ông tôi vẫn còn giữ mãi. Cứ mỗi sáng, đúng 7 giờ, không biết từ đâu ông đi xe đạp đến, dựng xe đạp vào một nơi dành cho xe đạp xong, ông bắt đầu làm việc. Mà đường xá bên Nhật thì quá sạch, chẳng có gì để ông quét dọn. Ấy thế là ông đi chầm chậm xem xét từng ngõ ngách có gì dơ bẩn không, có bao cao-su nào rớt không, có dấu kẹo chewing gum không…và làm sạch tất cả. Xong một đoạn đường, ông lại đến một đoạn đường khác và làm sạch đường. Nhìn qua thái độ làm việc, ông quả là một người yêu việc làm của mình, tự hào vì thành tích của mình, chẳng hề lộ vẻ đau khổ hay tự ti gì cả. Thật là đáng khâm phục.

Thứ hai là tinh thần làm việc theo nhóm. Trong thời gian ở hội nghị, tôi thấy trước khi một symposium bắt đầu, họ đều họp nhóm và bàn thảo cách điều hành ra sao, ai nói gì, nói như thế nào. Có lần dự một buổi như thế tôi mới thấy họ có tinh thần “teamwork” rất cao. Họ có khuynh hướng phục tùng cấp trên (chủ tịch chẳng hạn) và hòa đồng với người chung quanh. Người Nhật xem cấp trên là bậc có thẩm quyền và khả năng nhất, cho nên họ tuân thủ theo chỉ thị của cấp trên mà ít khi nào chất vấn xem chỉ thị đó đúng hay sai.

Ngoài ra, tôi thấy người Nhật có xu hướng tự đặt mình trong cộng đồng khép kín. Thật vậy, anh bạn người Nhật của tôi xem Nhật là một hòn đảo, và vì thế họ cần phải tồn tại trong cộng đồng. Từ đó, người Nhật suy nghĩ nội tâm nhiều, họ chú ý đến sự hòa đồng và hợp tác trong nhóm. Họ cảm thấy thoải mái với những người cùng cộng đồng, dân tộc mà họ là thành viên.

Người Nhật có khuynh hướng lắng nghe ý kiến của người khác hơn là phát biểu ý kiến của chính mình. Họ lúc nào cũng hỏi tôi nghĩ gì, mà không nói họ nghĩ gì! Họ quan tâm đến hòa hợp. Trong các thảo luận, người phương Tây phát biểu ý kiến của họ một cách trực tiếp để tránh lẫn lộn, còn người Nhật thì không chịu nói trực tiếp vì họ nghĩ rằng nói như thế là thiếu tính lịch sự, bất kính.

Thứ ba là họ tỉ mỉ và chú trọng chi tiết. Nhìn vào cách họ dọn thức ăn và trang trí thức ăn, dễ dàng thấy họ làm cái gì cũng nho nhỏ, xinh xinh, nhưng làm rất tinh vi và cẩn thận. Các đền chùa của Nhật cũng không lớn hơn các đền chùa Việt Nam bấy nhiêu, nhưng cách họ xây dựng thì tinh vi và đẹp hơn Việt Nam nhiều. Tôi nghĩ có lẽ đây là tâm lí xuất phát từ môi trường. Nhật là nước đông dân nhưng đất hẹp; do đó, đường xá, công viên, nhà cửa, v.v… đều được thiết kế gần với môi trường sống, tức là nho nhỏ. Có lẽ chính vì thế mà họ rất để ý đến chi tiết nhỏ hơn là những “big picture”. Họ làm những độ điện tử nhỏ rất hay và rất đẹp, hơn là phát triển những phi thuyền vũ trụ.

Nhìn người lại nghĩ đến ta. Thời gian ngắn ở Nhật gặp đồng nghiệp nào họ cũng hỏi tôi đến từ đâu -- where are you from -- và câu trả lời thường như một thói quen là từ Úc. Nhưng câu trả lời đó ít khi nào thỏa mãn tính tò mò của họ, bởi đơn giản một điều là tôi mang họ Nguyễn, một họ phổ biến nhất ở Việt Nam, cũng như họ Suzuki ở Nhật. Thành ra, tôi phải thêm một câu là tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng đã sống ở ngoài Việt Nam lâu gần 30 năm qua. Cố nhiên, tôi chẳng có gì mắc cỡ hay mặc cảm khi nói mình là người Việt; ngược lại, tôi còn có thể tự hào cái nguồn cội của mình.

Nhưng trong vài giây phút tự hào đó, tôi vẫn không thể không chạnh lòng khi sự thật là nước Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới; người Việt Nam qua cái nhìn của báo chí Tây phương và có lẽ ở Nhật nữa, là những người ăn trộm (như vụ tiếp viên VNA ăn trộm hàng ở Nhật), du côn buôn bán á phiện; quan chức thì tham nhũng hối lộ tràn lan; trình độ khoa học thì thuộc vào hàng thấp nhất thế giới, v.v… Tôi lúc nào cũng chuẩn bị sẵn những “lí giải” để bảo vệ danh dự Việt Nam, để phòng ngừa khi phía đối tác đưa ra những sự thật đó. Cũng may mắn là không ai hỏi tôi về những chuyện đó, có lẽ họ tế nhị hay không muốn làm phật lòng khách mời chăng.

Nhưng những chuyến đi như thế này, lúc nào tôi cũng tự hỏi: tại sao cũng là người Á châu, da vàng, tóc đen, có cùng văn hóa với nhau, mà người ta phát triển như thế, còn mình thì lại tồi tệ như thế? Đừng đổ thừa chiến tranh, vì chúng ta có 30 năm xây dựng và không thành công. Đổ thừa cho Mĩ cấm vận không còn thuyết phục nữa, khi mà Mĩ đã chủ động thông thường hóa ngoại giao với ta nhiều lần. Chỉ tại mình thôi.

Những gì tôi nhận xét về người Nhật mang tính đặc điểm văn hóa. Người Nhật có văn hóa tinh thần trách nhiệm, làm việc theo nhóm, và tỉ mỉ. Còn người Việt thì sao? Gần đây, có người (như Vương Trí Nhàn) cất công sưu tầm những thói hư tật xấu của người Việt. Tôi nghĩ việc làm đó đáng trân trọng, vì nó giúp cho mình nhìn lại mình, tự vấn mình. Đọc qua những thói hư tật xấu đó, tôi thấy người mình hoàn toàn ngược lại người Nhật: không có tinh thần trách nhiệm, không thích làm theo nhóm mà muốn làm vua một cõi, và làm việc thì ẩu. Có thể lấy ra hàng trăm ví dụ ngay tại thời điểm này để minh họa cho 3 đặc tính này của người Việt, nên ở đây tôi không nhắc lại làm gì. Ấy thế mà chúng ta có vẻ thích tự ru ngủ bằng những khẩu hiệu quen thuộc như chúng ta anh hùng, thông minh, học giỏi, v.v… Nhưng sự thật phản chưng lại tất cả những lời tự ca ngợi đó. Nếu người Nhật tự vấn tại sao họ có thể đi từ 1 đến 10 mà không đi được từ 0 đến 1, còn ta cũng nên tự vấn tại sao chúng ta chưa biết 1 là gì.

NVT

Ghi thêm: Viết xong nhật kí này tôi đọc được một bài trên Tia Sáng hỏi "Vì sao Trung Quốc chưa ai có giải Nobel", tác giả viết (tôi chỉ trích vài đoạn quan trọng):

Vấn đề con người:

Khoa học lạc hậu, vấn đề chính là ở khâu đào tạo bậc đại học. Cơ chế quan liêu trong các trường ĐH đã bóp chết mọi tài năng có tính sáng tạo. Phần lớn cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong trường ĐH và cơ quan nghiên cứu khoa học hiện nay là những người thích làm quan chức và làm học phiệt; đối với họ, làm quan kiếm tiền là trên hết; kiến thức học vấn là thứ yếu. người thực sự làm khoa học đã ít lại càng ít; nếu có thì cũng chẳng có không gian phát triển. Đạo đức của giới cán bộ khoa học ngày một xuống cấp. Mới đây chinanews.com.cn đưa tin không ít giáo sư đại học lợi dụng việc hướng dẫn nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ để giở trò đồi bại với họ. Hiện tượng sao chép luận văn, kết quả nghiên cứu của người khác rất phổ biến, như thế sao có thể thu được kết quả nghiên cứu có giá trị. Cán bộ khoa học kém đạo đức thì sẽ chẳng bao giờ đạt được thành tựu xứng đáng giải Nobel. Nhà khoa học người Hoa Charles Kuen Kao (Cao Côn) ngay từ năm 1966 đã hoàn tất công trình nghiên cứu truyền thông tin ánh sáng bằng sợi cáp quang, sau đó ông cũng chẳng để ý đăng ký sáng chế phát minh, thế mà 40 năm sau ông nghiễm nhiên được trao một nửa giải Nobel Vật lý 2009 – là một điển hình về đạo đức khoa học.

Vấn đề văn hóa:

Tư tưởng “Đại nhất thống” của văn hóa Nho giáo nhấn mạnh sự thống nhất cao về chính trị và văn hóa của quốc gia; nó có mặt tích cực là nhấn mạnh ý thức tập thể, song lại xóa bỏ ý thức chủ thể của cá nhân và tự do ý chí. Đồng thời “Đạo Trung Dung” mà văn hóa Nho giáo đề xướng cũng kiềm chế tư duy mới của chúng ta. “Trung Dung” là nguyên tắc cơ bản trong triết học Khổng Tử, là vũ trụ quan, phương pháp luận và tiêu chuẩn đạo đức được văn hóa Nho giáo ra sức đề cao. “Trung Dung” lấy hài hòa thống nhất làm tiền đề, cho rằng sự phát triển của con người hoặc sự vật đều nên vừa phải, trong giới hạn thích đáng, không “quá mức” và “bất cập”. Ảnh hưởng rõ nhất của tư tưởng này đối với giáo dục là thầy giáo chỉ thích các học sinh ngoan ngoãn vâng lời mà ra sức bài xích các học sinh nói năng hoặc có suy nghĩ “ngoài khuôn phép”, đòi hỏi chúng phải “cải tạo” cho hợp khuôn phép. Như thế tuy đã đưa học sinh vào khuôn phép nhưng lại bóp chết năng khiếu của biết bao trẻ em thông minh. Rất tiếc là tới nay nhiều người vẫn chưa nhận thức được tai hại sâu xa của các mặt tiêu cực trong văn hóa truyền thống Trung Quốc đối với việc giáo dục tinh thần sáng tạo KHKT.

Tôi nghĩ chỉ thay đổi hai chữ "Trung Quốc" bằng "Việt Nam", chúng ta cũng có một lời giải thích tại sao Việt Nam chưa bao giờ có ai chiếm giải thưởng khoa học lớn (chứ chưa nói đến giải Nobel).

NVT
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét