Hôm qua là một ngày đầy ấp lịch trình làm việc. Buổi sáng thì xong việc nộp bài báo cho tập san OI, và xem qua phần báo cáo về một công trình nghiên cứu về bệnh dịch. Chỉ riêng nộp bài báo mà ũng tốn ngót nghét cả hai tiếng đồng hồ, ấy là nhờ có đường truyền internet mạnh, chứ không thì chắc còn chờ lâu hơn nữa. Buổi chiều thì có cuộc gặp với các bạn của một đại học bàn cách làm sao vực dậy tiềm năng nghiên cứu y khoa của trường và bệnh viện. Bàn thảo thì nhiều, nhưng nói một hồi lại xoay quanh câu chuyện thưởng tiền mặt cho một công trình khoa học được công bố quốc tế mà PTT Nguyễn Thiện Nhân công bố ý định gần đây (và cũng gây ra nhiều tranh cãi).
Cụm từ “công bố quốc tế” hình như được anh Phạm Duy Hiển hay Phạm Đức Chính sử dụng đầu tiên để nói đến việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế. Cách đây khoảng hai năm, khi tham gia diễn đàn về vấn đề (vâng, phải nói là “vấn đề”) hoạt động khoa học ở nước ta, tôi có đề suất một ý rằng cần phải thưởng cho các nhà khoa học nào có công trình công bố quốc tế. Không nhớ ý này đăng trên Tia Sáng hay Thời báo Kinh tế Sài Gòn, vì tôi lặp lại ý này vài lần. Thật ra, ý này chẳng có gì mới, mà tôi chỉ rút kinh nghiệm thực tế từ các nước khác mà thôi. Ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan … chính phủ có chính sách thưởng từ vài ngàn USD đến vài chục ngàn USD cho mỗi công trình được công bố trên các tập san quốc tế. Số tiền tùy thuộc vào loại tập san và uy tín của tập san. Một bài trên Science, Nature, Cell, PNAS, Lancet, New England Journal of Medicine, JAMA, v.v… thì cầm chắc trong tay cả chục ngàn USD. Ngay cả tại Viện tôi làm việc, họ thưởng cho tác giả nào có công trình nghiên cứu công bố trên các tập san có chỉ số ảnh hưởng (IF -- impact factor) trên 10. Nói chung, họ xem một công trình khoa học là một tài sản tri thức quốc gia, và cần phải trân trọng tài sản đó. Tôi nghĩ họ có chính sách đúng, nhất là trong tình trạng nước họ còn đang phát triển và phải cạnh tranh quyết liệt với các cường quốc phương Tây.
Nhưng lúc đó tôi chưa có đề nghị tiền thưởng cụ thể là bao lăm. Qua tham khảo và tìm hiểu tình hình ngân sách ở trong nước thì tôi có thể có vài đề nghị cụ thể rồi. Theo tôi, chúng ta không có cái xa xỉ để thưởng vài chục ngàn USD cho một công trình khoa học như ở Trung Quốc hay Hàn Quốc. Một thực tế khác là qua phân tích trước đây tôi thấy 99.9% các công trình khoa học nước ta thường công bố trên các tập san có IF thấp dưới 10. Do đó, bất cứ đề nghị nào cũng phải xem xét đến tình hình thực tế này.
Hôm qua tôi có trình bày những đề nghị liên quan đến chính sách thưởng này với các bạn lãnh đạo trường đại học. Theo tôi thì số tiền thưởng nên được xác định (hay tính toán) dựa vào chỉ số IF của tập san mà công trình được công bố cộng với một hệ số phản ảnh thứ bậc của tập san trong chuyên ngành. Cụ thể hơn, tôi đề nghị số tiền thưởng như sau:
T = 100 + (IFj x 200) + (IFj / IFm x 1000)
Trong đó, T là tiền thưởng; IFj là chỉ số impact factor hiện hành của tập san; IFm là chỉ số IF cao nhất trong chuyên ngành.
Vế thứ hai của công thức trên đề nghị rằng chứ mỗi chỉ số IF thì tác giả được thưởng 200 USD.
Vế thứ ba của công thức trên cân nhắc thứ hạng của tập san trong chuyên ngành. Bởi vì có ngành (chẳng hạn như ngành toán) các tập san thường có IF thấp; do đó, sẽ không công bằng nếu chỉ thưởng dựa vào IF, mà phải xem xét đến thứ hạng của tập san đó trong ngành. Chẳng hạn tập san A trong ngành toán chỉ có IF là 1.5, nhưng tập san toán có IF cao nhất là chỉ 2, thì hệ số điều chỉnh là IFj/IFm = 1.5/2 = 0.75. Và, bài nào được công bố trên tập san số 1 của ngành thì được thưởng 1000 USD.
Nhưng có một số tập san có IF thấp hơn 1, và nếu nhân cho 200 thì sẽ không công bằng và thiếu tính khuyến khích. Do đó, tôi đề nghị công trình trên những tập san mới, chưa có IF, hay IF quá thấp thì cũng nên được thưởng 100 USD (vế thứ ba của công thức trên). Có thể xem đây là “điểm sàng” của tưởng thưởng.
Chẳng hạn như một chưng sĩ công bố một công trình nghiên cứu trên tập san chuyên ngành nội tiết có IF là 4. Ngành nội tiết có tập san JCEM có IF cao nhất là 6. Do đó, theo công thức trên, số tiền thưởng sẽ là: T = 100 + (200 x 4) + (4/6 x 1000) = 1567 USD.
Tương tự, một nhà toán học công bố nghiên cứu trên tập san có IF 1.2, nhưng tập san toán học có IF cao nhất là (chỉ giả định) 3, thì số tiền thưởng sẽ là 740 USD.
Lí do đằng sau đề nghị này là chúng ta không chỉ muốn nâng cao số lượng công trình, mà còn phải nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Chỉ số IF là một cách đánh giá tương đối khách quan (chỉ tương đối thôi, vì chẳng có chỉ số nào hoàn hảo cả) về uy tín và chất lượng của một tập san khoa học. Do đó, dựa vào IF để thưởng, theo tôi là khá khách quan so với một con số tròn trĩnh như 1000 USD mà ông NTN đề nghị.
Công thức trên còn gián tiếp khuyến khích những nghiên cứu thực nghiệm, ứng dụng và nghiên cứu y sinh học. Các nghiên cứu này có thể đem lại lợi ích kinh tế nhanh hơn các nghiên cứu khác (chẳng hạn như toán hay vật lí lí thuyết). Các tập san cho khoa học thực nghiệm thường có IF cao hơn tập san lí thuyết, và cách thưởng dựa vào IF cũng là một cách gián tiếp khuyến khích các ngành khoa học này ở nước ta vốn rất nghèo nàn từ mấy mươi năm qua.
Nhưng vấn đề chưa dừng ở đó. Ts Nguyễn Quang A và Nguyễn Đăng Hưng đã nêu hàng loạt vấn đề cần phải thảo luận thêm. Những vấn đề nổi cộm mà hai anh này nêu lên (và ý kiến của tôi) là:
Ngân sách thưởng xuất phát từ đâu? Theo Nguyễn Quang A thì chính phủ không nên dính dáng vào chuyện thưởng và anh ấy cho rằng chẳng có nước nào trên thế giới có chính sách thưởng như thế. Thật ra thì, như tôi đề cập trên, chính phủ một số nước Á châu có chính sách thưởng, còn nguồn tiền ở đâu thì tôi không rõ mấy, nhưng tôi biết chắc ở Trung Quốc họ có hẳn ngân sách của Nhà nước cho việc tưởng thưởng này. Còn ở Úc thì Nhà nước không có chính sách thưởng và cũng không có ngân sách để thưởng, mà tùy vào đại học và nguồn thì thường từ các nhóm chuyên gây quĩ cho nghiên cứu ( gọi là research foundation).
Thưởng cho ai? Nếu một nhóm nghiên cứu có 10 người thì tiền thưởng theo công thức trên cho cho đều 10 người hay không? Một công trình khoa học lúc nào cũng là kết quả làm việc của một tập thể Do đó, tưởng thưởng phải nhắm mục đích khuyến khích tinh thần “team work”, tức là làm việc theo đội, theo nhóm, nhưng cũng không quên ghi công trạng của tác giả chính. Công thức trên chỉ đề nghị thưởng cho tác giả chính, người chủ trì công trình nghiên cứu. Đối với các tác giả cộng sự trong công trình, mức độ thưởng bao lăm rất khó xác định, bởi vì mức độ đóng góp giữa các tác giả không hẳn đồng đều. vả lại, thứ tự tác giả còn tùy thuộc vào “văn hóa” làm việc của từng nhóm. Có văn hóa mà trong đó chỉ có tác giả đầu và tác giả cuối là hai người quan trọng nhất, còn các tác giả giữa đóng vai trò quan trọng theo thứ tự đóng góp. Lại có văn hóa sắp xếp tác giả theo chữ cái của tên họ, nhưng cũng có nơi sắp xếp tác giả theo thứ tự đóng góp từ cao nhất đến thấp nhất, v.v…
Trước tình trạng đa dạng và phức tạp này, tôi nghĩ cách thực tế nhất để xác định tiền thưởng cho các tác giả cộng sự trong công trình là lấy T nhân cho vị trí của tác giả trong bài báo chia cho tổng số tác giả trong bài báo. Chẳng hạn như nếu một công trình có 5 tác giả, và số tiền thưởng cho tác giả đầu theo công thức trên là 1000 USD, thì tác giả thứ hai sẽ được thưởng 2/5 x 1000, tác giả thứ 3 là 3/5 x 1000, v.v…
Còn tác giả ngoại quốc thì sao? Đây cũng là vấn đề khá phức tạp. Theo tôi, chỉ thưởng cho tác giả Việt Nam và công trình nghiên cứu thực hiện tại Việt Nam, do người Việt Nam chủ trì. Mục tiêu là khuyến khích nghiên cứu ở Việt Nam và nâng cao nội lực, chứ không phải khuyến khích tham gia vào những công trình khoa học theo kiểu nhảy dù.
Tất nhiên, bất cứ tưởng thưởng nào cũng gây ra dị nghị, tranh chấp, tiêu cực, thậm chí bất hòa. Cần phải nghiên cứu kĩ những yếu tô này vì nếu không cẩn thận rất dễ dẫn đến phản tác dụng.
Trên đây chỉ là vài ý tưởng mới manh nha. Tôi nghĩ cần phải thảo luận thêm để đi đến một qui định (không dám gọi là chính sách) nhằm vực dậy tiềm năng khoa học của nước ta.
Xem thêm: Ghi chép và cảm nhận ở Hà Nội
NVT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét