Lại bàn về qui định sức khỏe và lái xe gắn máy

Chẳng hiểu sao tôi thấy bức xúc với những qui định của BYT về việc cấp bằng lái xe gắn máy. Tôi cứ liên tưởng đến mấy người hàng xóm dưới quê có chiều dài chân ngắn, , vài đứa cháu nam và nữ có vòng ngực “lép”, những người buôn gánh bán bưng ở các bến phà, v.v… sẽ phải chi ra hàng triệu đồng để qua mấy cái ải của BYT để có được bằng lái xe. Chưa thấy qui định nào của BYT gây ra nhiều tranh cãi như qui định này.


Trước dư luận của người dân, BYT đã giảm khoảng 50% tiêu chuẩn. Nhưng họ vẫn “bảo lưu” tiêu chuẩn 40 kg và chiều cao dưới 145 cm không được lái xe gắn máy trên 50 cc. Và, vẫn như mấy lần trước, họ không giải thích được tại sao có mấy con số cụ thể này. Hình như dưới mắt của mấy người quản lí BYT con người có thể giảm xuống thành những con số, và số phận của họ bị quyết định bởi những con số. Làm y tế mà vô nhân bản như thế thì thật là đáng ngại. 


Một vị thứ trưởng BYT nói là những qui định mà Bộ này đưa ra đều có tham khảo những “nghiên cứu của các nhà nhân trắc học, xã hội học, chuyên gia pháp luật, các giáo sư và những vị có uy tín trong ngành y tế dựa trên hằng số sinh học của người Việt Nam, theo chuẩn quốc tế với xu hướng hội nhập và do đó không có chuyện nhầm lẫn.” Nhưng Giáo sư Tương Lai hỏi lại: “Xin cái bà thứ trưởng này, bà công khai hoá cho những danh tính của những nhà khoa học mà bà đã nêu đấy, nhà khoa học về nhân trắc học, nhà khoa học về xã hội học, nhà khoa học về pháp luật để người ta có thể chất vấn những nhà khoa học này. Họ căn cứ vào đâu để họ tư vấn cho bà Thứ Trưởng Bộ Y Tế đưa đến những quyết định theo kiểu như thế?”


Thật ra thì họ có giải thích, nhưng lời giải thích chẳng giống ai. Khi được hỏi tại sao chọn ngưỡng chiều cao 145 cm, một quan chức với bằng tiến sĩ nói: vì “Người Việt Nam 20-24 tuổi, nam có chiều cao là 163,72±4,67cm, cân nặng là 52,11±4,70 và nữ có chiều cao là 153,00±4,32cm, cân nặng là 44,60±4,22. […] Như vậy, việc quy định người có chiều cao dưới 1m45 hoặc cân nặng dưới 40kg thì không được lái xe A1 là có cơ sở khoa học và cũng phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.”


Mấy con số đó có liên hệ gì với nhau? Rồi mấy con số sau cái dấu cộng trừ đó là cái gì? Chẳng thấy ông này giải thích. Từ con số trung bình, rồi ổng phán là “có cơ sở khoa học”. Trời đất ơi! Hết biết. Tôi liên tưởng đến nghiên cứu sinh của tôi: đứa nào mà suy luận kiểu này thì chắc còn lâu mới ra trường. Đúng như Nguyên Lâm viết những người mắc bệnh não (thiếu suy nghĩ), bệnh tim (vô cảm), bệnh tay chân (quan liêu), bệnh tai (không chịu nghe), và bệnh mắt (thiển cận) thì không nên làm quản lí y tế. Chợt nhớ đến Nhà văn Hoàng Minh Tường: tại cái nước Việt Nam mình nó thế.


Chính vì nó thế nên quốc tế mới nhìn mình và mỉm cười. Hôm nay đọc báo thấy mấy qui định sức khỏe của Bộ Y tế để cấp bằng lái xe đã được báo chí quốc tế chú ý. Nhưng họ chú ý với giọng văn diễu cợt. Chẳng biết có ai trong BYT đọc mấy dòng này của báo Mĩ không? Nhưng họ chế diễu là phải. Thật sự, tôi chưa thấy một cơ quan y tế trên thế giới nào ra những qui định quái gở như thế.
NVT
PS. Cũng xin giới thiệu bình luận từ blog của một nhà báo (?). Xin nói trước là lời lẽ trong bài này hơi nặng đó nhé. Những phản ứng này cũng phản ảnh một phần cái nhiệt kế của công chúng trước qui định của BYT.

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét