Bộ Y tế nhận sai và rút lại qui định

Hôm nay thấy báo chí nói rằng “Bộ Y tế xin dừng quyết định 'thấp bé không được lái xe'”. Như vậy cuối cùng thì Bộ cũng nhận họ sai lầm. Ngay từ đầu tôi cũng có đề nghị Bộ nên rút lại qui định này, nhưng cho đến hôm qua họ vẫn bảo lưu ý kiến, nên tôi nghĩ bao lăm phản hồi và phản biện (kể cả của tôi) đã chẳng thay đổi được Bộ. Nhưng “everything is possible”, quyết định hôm nay của Bộ cho thấy họ cũng biết lắng nghe.


Nhưng vẫn còn những qui định khác về những bệnh mãn tính mà họ chưa rút lại. Không có nước nào không cho những người mắc bệnh tiểu đường, trĩ, hậu môn, cao huyết áp, v.v… lái xe cả. Theo tôi, nên rút lại tất cả các tiêu chuẩn này để nghiên cứu thêm, chứ không chỉ rút lại qui định về chiều cao, cân nặng và vòng ngực. 


NVT
PS. Hôm nay thấy có bài này đặt câu hỏi làm kiểu gì cũng đáng chú ý:

Các chuyên gia của Bộ Y tế đã làm việc kiểu gì?


Trong khi những người dân chưa hết “choáng váng” về hàng loạt quy định “gây sốc” của Bộ Y tế mới đưa ra thời gian gần đây quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông thì hôm nay, ông Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Trần Quý Tường thông báo sẽ rút 50% tiêu chuẩn sức khỏe với người điều khiển xe từ 83 xuống còn 40. Thông báo này được đưa ra sau khi hàng loạt những quy định của Bộ Y tế mới đưa ra trước vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía người dân thông qua các diễn đàn báo chí. Ông Tường thừa nhận “Đây là bất cập thuộc về lỗi kỹ thuật trong việc xây dựng và ban hành văn bản của Bộ Y tế”. Nhưng nhìn lại sự “bất nhất này của Bộ Y tế, người dân có quyền nghi ngờ: Liệu đó chỉ đơn thuần là lỗi kỹ thuật hay lỗi về con người ?


Trước đây, khi đưa ra những quy định về chiều cao, cân nặng, vòng ngực và hàng loạt những quy định khác đối với người điều khiển phương tiện, ông Tường nói: “Chúng tôi đã tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia, ý kiến các bộ ngành nhằm mục đích đảm bảo an toàn giao thông đường bộ”, thậm chí những chuyên gia của Bộ Y tế đã có hơn 1 năm nghiên cứu “kĩ lưỡng” trước khi đưa ra những quy định này. Tạm thời không bàn tới sự đúng sai, hay dở, tính khả thi của những quy định trên mà chỉ tính riêng việc giảm tới gần 50% tiêu chuẩn sức khỏe đối với người điều khiển xe, chúng ta cũng có thể thấy rõ sự “kĩ lưỡng” của các chuyên gia sức khỏe Bộ Y tế đã nghiên cứu trước đó.


Việc nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi đưa ra một quy định là rất cần thiết bởi sự kĩ lưỡng đó sẽ đảm bảo được độ chính xác, tránh được những sai sót, bất cập của nó lên những đối tượng mà nó tác động. Đối tượng tác động của quy định 33 và 34 của Bộ Y tế lần này tương đối rộng rãi. Sau một thời gian dài nghiên cứu, quyết định này đã được đưa ra vận dụng. Thế nhưng ngay từ đầu, những điểm chính trong quy định này như: Cân nặng dưới 40kg, chiều cao dưới 1 m40, vòng ngực dưới 72cm không được phép điều khiển xe trên 50 cm3 … đã bị chính những đối tượng của nó là những người dân tham gia giao thông “phản pháo” một cách quyết liệt. Những người dân đã mượn diễn đàn báo chí để nói lên tiếng nói của mình. Sự phản ứng của người dân khiến cho những chuyên gia của Bộ Y tế lúng túng. Thay vì nghiên cứu lại kĩ lưỡng nội dung của những điều khoản trong quy định trên, ngay lập tức, những tiêu chuẩn đó được hạ xuống còn 50% so với quy định cũ. Lý do đưa ra khi nhận lỗi trước những sai sót của mình đó là do “lỗi kĩ thuật”. Một quy định đã có sự nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi ban hành thì độ chính xác của nó phải rất cao, nếu có giảm bớt những tiêu chuẩn trong số đó, người ta chỉ chấp nhận sự xê dịch dưới 10% chứ không thể giảm đến một nửa như quyết định của Bộ Y tế mới làm. 



Người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi nghi vấn về những chuyên gia đưa ra quy định này. Phải chăng đây chỉ đơn thuần là lỗi kỹ thuật hay lớn hơn là lỗi về những con người đã trực tiếp nghiên cứu và đề xuất ra những điều khoản trong quy định này. Nếu như họ đã thực sự làm việc thực sự trong thời gian vừa qua mà vẫn để xảy ra sai sót đó, Bộ Y tế cần phải xem xét lại năng lực chuyên môn của những chuyên gia này. Còn nếu như thời gian qua họ không hề nghiên cứu dựa trên thực tế tình hình sức khoẻ của người Việt mà chủ quan duy ý chí dẫn đến đưa ra những điểm không phù hợp thì Bộ Y tế cũng nên xem xét lại tư cách của những chuyên gia này. Rõ ràng, sự thiếu sót này không thể đơn giản hoá trách nhiệm bằng cách đổ vấy cho “lỗi kĩ thuật” giống như phát biểu của ông Trần Quý Tường. 


Một quy định có tầm ảnh hưởng rộng rãi tới rất nhiều người dân giống như quy định về đảm bảo sức khoẻ khi điều khiển phương tiện giao thông như Bộ Y tế đưa ra thời gian vừa qua là cần thiết và hợp lý.Thế nhưng, những quy định đó phải xuất phát từ những nghiên cứu sức khoẻ của những người dân. Khi quy định đưa ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và hợp tình hợp lý, không có lý do gì không nhận được sự đồng thuận của những người dân tham gia giao thông.
Phản ứng của người dân trong thời gian qua và hành động “đẽo cày giữa đường” của chuyên gia Bộ Y tế đã cho thấy sự bất cập trong việc xây dựng và ban hành văn bản của Bộ Y tế. Và đương nhiên, để cho những quy định của mình có thể thuyết phục với người dân, việc xem xét lại một cách nghiêm túc những quy định của mình trước khi đem ra vận dụng là điều không thể không làm đối với những người có trách nhiệm của Bộ Y tế.

Tuấn Hải (Vietimes)

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét