Những ghi chép linh tinh

Mấy hôm nay, từ ngày đến Hà Nội, lịch trình làm việc kín mít, không có thì giờ đi ngắm cảnh Hà Nội mùa thu ra sao nữa. Bầu trời lúc nào cũng âm u, mây nhiều hơn nắng. Có lẽ vì mới chớm thu nên lá cây vẫn chưa chuyển sang màu vàng.


Vì ban ngày thì bận quá cỡ, nên tôi chỉ thấy Hà Nội lúc ban đêm. Tuy vậy, tôi thấy thành phố này có nhiều nét hay và dễ thương hơn Sài Gòn. Đường xá rộng rãi hơn (và hình như ít xe hơn) Sài Gòn. Tôi thích những con đường nhiều cây cối (như đường Phan Đình Phùng ?) và những con đường quanh những hồ lớn. Hèn gì bạn tôi, người Úc, mới đi Việt Nam về và nhận xét rằng thành phố Hà Nội “very nice”.

Hà Nội vẫn còn nhiều tòa nhà lớn và vi la kiểu Pháp, và hình như mấy tòa nhà này được bảo trì tốt hơn so với mấy tòa nhà tương tự ở Sài Gòn. Nhưng đây đó tôi vẫn thấy vài tòa nhà khổng lồ mới xây trông rất thô kệch, Tây chẳng ra Tây mà Ta cũng chẳng ra Ta, trông rất ư là đau mắt. Lại có nhiều tòa nhà mới xây bắt chước theo kiến trúc Pháp vào thế kỉ 19, nhưng vào phía bên trong thì … rất Việt Nam. :-) Chẳng hạn như Bệnh viện Đại học Y nhìn ngoài thì rất Tây, nhưng vào trong thì … ôi thôi. Chất lượng xây dựng (nhìn từ phiá bên trong) cũng rất kém, cái gì cũng có vẻ quá tạm bợ (và có khi nguy hiểm).

Tôi thấy người Hà Nội dễ mến. Đi đâu, đến hàng quán nào, cũng thấy họ rất lịch sự và nói năng nhỏ nhẹ. Đêm đầu tiên một người bạn trường y dẫn đến nhà hàng Thủy Tạ trên hồ Hoàn Kiếm, vừa ăn vừa nghe nhạc cổ truyền do ban nhạc trình bày sống. Ban nhạc chơi cũng khá, nhưng tiếng hát thì lại bị tiếng đàn hơi ồn lấn át nên tôi chẳng nghe gì cả (tiếc quá). Chị ca sĩ mặc áo dài màu đỏ đến bàn tôi cho hoa hồng làm tôi lúng túng chẳng biết phải ứng xử ra sao! :-) Nhưng món ăn của nhà hàng thì không mấy phong phú, chỉ xoay quanh mấy món hơi bị nhiều dầu mỡ. Còn cá kho thì lại ngọt quá (điều này làm tôi ngạc nhiên, vì chạy cái ngọt ở Sài Gòn ra đây lại gặp cái ngọt của Hà Nội)!

Đêm qua ghé thăm nhà anh bạn đang công tác ở một trường đại học khu Gia Lâm, và chuyến đi để lại tôi nhiều suy nghĩ về tốc độ phát triển giữa hai vùng đất nước. Từ trung tâm Hà Nội ra Gia Lâm chẳng nhớ bao lăm cây số, nhưng nhớ giá taxi lên đến 177 ngàn đồng, tức là khá xa. Chỉ ra ngoài Hà Nội một chút, mà tôi có cảm giác như mình đang đi trên đường ngoại ô xa lắm. Đường này cũng là con đường đi về Hải Phòng và một số tỉnh khác. Nhưng điều làm tôi chú ý và khen hoài là đường rất tốt, 3 lằn xe mỗi bên, chẳng khác gì những xa lộ ở ngoại quốc. Trong khi đó, con đường từ Sài Gòn về quê tôi ở Kiên Giang và các tỉnh miền Tây khác thì chẳng khác gì con đường mà tôi hay thấy trong những nước nghèo nhất thế giới. Một quốc lộ huyết mạch của Đồng bằng sông Cửu Long, dựa lúa của cả nước, mà chỉ là con đường 1 lằn xe, hay cao lắm là 2 lằn xe, và xuống cấp cực kì tồi tệ. Nhiều cây cầu về miền Tây hình như chưa bao giờ được nâng cấp kể từ lúc người Pháp xây hay chính quyền miền Nam cũ xây.

Anh bạn tôi và bà xã là “Việt kiều” Úc về đây công tác dài hạn. Hai vợ chồng thuê một căn nhà lịch sự trong khuôn viên đại học. Đêm qua, tôi có hân hạnh đến nhà anh ấy chơi và ăn tối với một ông khách người Nhật (sang đây cho học bổng cho sinh viên Việt Nam). Tôi và ông Nhật lớn hơn tôi gần 10 tuổi có một buổi nói chuyện thú vị và vui vẻ, bàn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện văn nghệ văn gừng, sang chuyện rượu vang, rồi đến chuyện giáo dục, và … chuyện đường xá. Ông này từng đến Việt Nam nhiều lần (chỉ để cấp học bổng) nên ông cũng có nhận xét y chang như tôi: đường về miền Tây nam bộ quá tệ. Không hiểu hơn 30 năm qua, các quan chức giao thông vận tải và hết chính phủ này đến chính phủ khác họ làm gì mà để cho cái vùng vốn nghèo này càng thêm nghèo xơ nghèo xác như hiện nay. Tôi nghĩ các quan chức nếu đi xe ôtô chắc cũng nhìn thấy chứ, nhưng thấy rồi làm gì thì thật là một câu hỏi lớn. Nghĩ đến chuyện này và so sánh với quốc lộ ngoài này làm máu tôi tăng nhiệt độ.




NVT
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét