Con số thống kê mù chữ có ý nghĩa gì ?

Câu phát biểu ấn tượng của vị phó giám đốc GDĐT Hà Nội cứ ám ảnh tôi. Nó ám ảnh từ cái chữ “dạy dỗ”. Vì bị ám ảnh hoài, nên tôi phải viết ra vài hàng để tự giải tỏa mình. 
Một nữ bệnh nhân được chỉ dẫn uống thuốc theo liều lượng định sẵn, nhưng chị uống quá liều và phải nhập viện để điều trị. Một nam bệnh nhân khác thì thay vì uống thuốc, ông uống luôn cả vỉ thuốc, và phải nhập viện để chưng sĩ làm phẫu thuật để lấy vỉ thuốc ra. Ở Mĩ cũng có những trường hợp hi hữu như thế, những trường hợp bệnh nhân không “tuân thủ” theo chỉ dẫn của chưng sĩ. Thật ra, phải nói chính xác hơn là không có khả năng tri thức để tuân thủ theo chỉ dẫn. Nguyên nhân của các trường hợp trên là mù chữ.
Theo số liệu thống kê mới nhất, nước ta hiện nay có khoảng 1,7 triệu người mù chữ. Phần lớn những người mù chữ là người dân tộc, người cư ngụ ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, v.v… Nhưng ngạc nhiên thay, Hà Nội lại dẫn đầu với 218.200 (có báo viết là 235.000) người mù chữ! Nhưng nay thì chúng ta biết rằng đó là lỗi lầm “cơ học”, vì người đánh máy vô ý thêm con số 2 trước số 18.200!
Tuy nhiên, nhận xét của một quan chức giáo dục tại Hà Nội làm tôi phải suy nghĩ con số mù chữ và ý nghĩa của nó. Trả lời báo chí, vị Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội nói: “Với độ tuổi 15-35, chúng tôi đương nhiên phải theo dõi để hoàn thành trách nhiệm phổ cập giáo dục. Nhưng với độ tuổi trên 36, có thống kê được bao lăm người mù chữ thì cũng không sử dụng làm gì vì những đối tượng này không thuộc phạm vi ngành giáo dục ưu tiên, phải thường xuyên, cấp chưngh dạy dỗ”.
Từ điển Tiếng Việt giải nghĩa “dạy dỗ” là chữ sử dụng cho trẻ em: “dạy bảo, khuyên răn một cách ân cần và dịu dàng (đối với tuổi nhỏ)”. Những người ở độ tuổi 20 đến 35 không thể hiểu là tuổi nhỏ được, vì họ đã trưởng thành. Trước những lem nhem và bê bối của ngành giáo dục trong quá khứ và hiện tại, tôi e rằng động từ “dạy dỗ” có lẽ là trịch thượng một cách quá đáng.
Mù chữ ở nước ta ngày xưa được được xem là một trong 3 loại giặc nguy hiểm (hai loại giặc kia là giặc đói và giặc ngoại xâm). Ngày nay chúng ta không còn bị ngoại xâm, và chúng ta cũng không đến nỗi đói, nhưng con số 1,7 triệu người mù chữ cho thấy chúng ta vẫn còn … dốt. Quan trọng hơn là giặc dốt này lại tồn tại ở những người trong độ tuổi lao động có thể cống hiến nhiều cho kinh tế nước nhà.
Nói đến kinh tế, chúng ta có lẽ ai cũng thấy tác hại của mù chữ đến nền kinh tế và thế hệ tương lai. Hệ quả hiển nhiên là người bị mù chữ thiếu cơ hội tham gia lao động. Không tham gia lao động được nên họ có thể trở thành một gánh nặng cho xã hội, thậm chí có nguy cơ dính vào những vụ tội phạm. Thống kê ở Mĩ cho thấy 85% những người dính dáng vào tội phạm hình sự là những người mù chữ hay có vấn đề về đọc và viết. Ngay cả khi có cơ hội tham gia lao động thì người mù chữ cũng không có dịp được thăng tiến trong nghề nghiệp.
Mù chữ có thể xem như là một “căn bệnh” di truyền. Phần lớn những mù chữ dấu diếm triệu chứng trong sự xấu hổ, và do đó họ mang trong người một bệnh tâm lí. Nghiên cứu xã hội học cho thấy trẻ em lớn lên trong gia đình mù chữ có nguy cơ mù chữ tăng gấp 2 lần so với trẻ em lớn lên trong gia đình biết chữ.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy mù chữ và sức khỏe có liên quan với nhau. Người mù chữ (hay người có trình độ học vấn thấp) có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch (suy tim), và suy thận cao hơn người có trình độ học vấn. Ở nước ta, nghiên cứu cộng đồng cho thấy rõ ràng rằng suy dinh dưỡng có liên quan đến trình độ học vấn của bà mẹ, với những người mù chữ thường có nguy cơ sinh con thiếu dinh dưỡng. Ngoài ra, còn có số liệu cho thấy khi trình độ học vấn của cha mẹ tăng 1 năm thì tỉ lệ tử vong của trẻ em trong gia đình giảm 9%. Chính vì thế mà trong y tế cộng đồng người ta xem mù chữ là một loại dịch bệnh thầm lặng (silent epidemic).

Chúng ta thường hiểu mù chữ là không biết đọc hay không biết viết, nhưng còn có hai loại mù khác nữa: đó là mù chữ chức năng (functional illiteracy). Mù chữ chức năng đề cập đến những trường hợp “bệnh nhân” biết chữ nhưng trình độ đọc và viết của họ ở dưới mức “cơ bản”. Mức cơ bản được định nghĩa là “có khả năng đọc và hiểu những thông tin và số liệu in trên giấy, có khả năng ứng xử trong xã hội để đạt được mục tiêu cá nhân và phát triển tiềm năng tri thức.” Do đó, người có trình độ dưới mức cơ bản thiếu kĩ năng tìm kiếm thông tin, hoặc khi có thông tin họ không hiểu hay không biết diễn giải ý nghĩa của thông tin.
Một đặc điểm quan trọng của mù chữ chức năng là mù số (innumeracy), cũng được giới tâm lí học xem là một bệnh. Theo định nghĩa của giới tâm lí học, những người mang bệnh mù số thường không có khả năng suy nghĩ và diễn giải ý nghĩa của con số trong cuộc sống hàng ngày. Người mù số không phân biệt được sự khác biệt giữa 2% và 0,02, không có khả năng diễn giải và so sánh một dãy số như 15.000, hay 150.000.
Ở Mĩ, người ta ước tính rằng cứ 100 người trưởng thành thì có khoảng 14 người bị mù chữ chức năng. Ở nước ta, chưa có nghiên cứu nào để biết có bao nhiều người mù chữ chức năng và mù số, nhưng nếu con số 1,7 triệu người mù chữ là một tín hiệu thì chúng ta có thể suy luận rằng con số mù chữ chức năng ở nước ta còn cao hơn so với Mĩ. Theo nghiên cứu của Mĩ, mù chữ chức năng và mù số có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế quốc gia, với thất thoát lên đến hàng tỉ đô la mỗi năm. Những thất thoát kinh tế thường do tai nạn cao và năng suất thấp.
Nhà báo H. L. Mencken, một trí thức lừng danh người Mĩ, từng nói rằng trong một xã hội hiện đại, công dân cần phải học ba kĩ năng căn bản: chữ, số, và lí giải thống kê. Những phản ứng hoảng loạn trước những thông tin về bưởi và ung thư vú, nồng độ melamine trong sữa, mắm tôm và bệnh tả, v.v… phản ảnh một phần vấn đề lí giải thống kê. Do đó, khác với nhận xét của vị quan chức giáo dục Hà Nội, tôi hiểu những con số thống kê về mù chữ ở người cao tuổi là một tín hiệu cho thấy ngành giáo dục đã không thành công đem lại chữ nghĩa cho một số người kém may mắn trong xã hội, và con số 1,7 triệu người mù chữ cộng với số người mù chữ chức năng cho thấy nước ta đang có một nạn dịch thầm lặng.
TB: Bài đăng trên Tuần Việt Nam với tựa đề “Mù chữ - căn bệnh di truyền thầm lặng”.


Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét