Ghi chép cuối tháng 12/08: Khoảng cách giàu nghèo

Ngày 30/12/08, Tổng cục Thống kê báo cáo rằng thu nhập bình quân đầu người nước ta hiện nay là 1024 USD. Như vậy, per capita GDP nước ta đã vượt qua con số 1000 USD, so với những năm trước đây con số này chỉ khoảng 300-500 USD -- đó là một tin mừng. Nhưng chúng ta phát triển thì các nước chung quanh cũng phát triển, và nước ta vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới -- đó là một tin buồn.

Nhưng con số 1024 USD là con số trung bình, hay nói chính xác hơn là con số trung vị. Tức là, nước ta vẫn có những người / gia đình mà thu nhập bình quân chỉ vài trăm USD, và cũng có những người thu nhập hàng năm lên đến cả triệu USD. Nói cách khác, khoảng cách giàu nghèo rất lớn mà con số trên chưa phản ảnh được. Khoảng cách giàu nghèo mới là vấn đề chúng ta quan tâm, vì bất công xã hội và bất an xã hội bắt đầu từ cái khoảng cách này, khoảng cách giữa người-có và người-không-có (the have’s and the have-not’s).

Người-có
Tôi đi ngang qua khu Phú Mỹ Hưng (Quận 7), được xem là một thành phố Nam Sài Gòn. Khu đô thị này đã được một người Đài Loan đầu tư và xây dựng rất chỉnh chu. (Cái gì có bàn tay người nước ngoài đều chỉnh chu hơn là bàn tay người Việt Nam). Khu đô thị này được xây dựng theo mô hình suburb ở các nước như Mĩ, Canada, và Úc, tức là rộng, thoáng, và có bóng cây. Thật vậy, chỉ vài con đường chật chội, cũ kĩ và tồi tàn từ Sài Gòn sang Phú Mỹ Hưng thì một hình ảnh thịnh vượng hiện ra trước mắt. Đường xá ở đây rộng rãi hơn, khang trang hơn, mát hơn, và sạch sẽ hơn nhiều so với khu nội thành.

Hàng quán hai bên đường cũng rất “fashionable” và có thể nói là up-market, chỉ dành cho người có nhiều tiền. Tôi chú ý đến những salon bán xe Âu châu luxury như BMW, Mercedes, và … Porsche. Vâng xe Porsche, giá hàng trăm ngàn một chiếc được bày bán ở đây. Chỉ dạo một vòng khu này, dễ thấy những chiếc xe hơi đắt tiền chễm chệ đổ trong các bãi xe trước những căn nhà sang trọng.

Nói là nhà cửa rộng và thoáng, nhưng chỉ tàm tạm thôi, chứ không thoáng như ba nước Mĩ, Canada và Úc, vì diện tích nhà vẫn còn rất hẹp, cất san sát nhau, thiếu sân trước và sau. Nói cách khác là nhà đầu tư có cố gắng, nhưng chưa đạt chuẩn của ba nước Mĩ, Canada và Úc được. Điều này chắc dễ hiểu, vì người ta cần thu hẹp lại để bán nhiều nhà và đất, nhanh chóng lấy lại vốn đầu tư bỏ ra.

Điều làm tôi ngạc nhiên là ngay giữa khu này có những “gated community”, tức là những khu nhà có cổng gác, và khách vào phải qua bảo vệ, y chang như những “gated community” bên Mĩ, vốn bị nhạo báng và phê phán rất nhiều. Chủ nhân của những căn hộ trong những “cộng đồng có cổng gác” này chắc chắn phải là những VIP hay no đủ, muốn tự mình tách biệt với thế giới nhếch nhác bên ngoài. Nghe nói một căn hộ trung bình ở đây giá 1 triệu USD, tức gấp 2 thậm chí 3 lần những căn nhà [rộng lớn hơn] ở Mĩ hay Úc. Trong giới y khoa, ai cũng kháo nhau rằng các ông hiệu trưởng trường y Sài Gòn có những căn nhà như thế ở đây. Đối với các doanh nhân ăn nên làm ra thì một căn hộ ở đây là điều đương nhiên, vì nó giống như là một sự thể hiện status của mình.

Ngoài các căn hộ đắt tiền còn có những trường học dành cho con em người Mĩ, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhìn từ ngoài thì những trường này được xây một cách rất Tây phương, tức là rộng và trật tự đâu ra đó (chứ không phải loạn xà ngầu và nhớp nhúa như các trường công Việt Nam). Sẽ không ngạc nhiên nếu học phí lến đến 15000 USD/năm. Cố nhiên, những trường này chỉ nhận học sinh của những gia đình no đủ, chứ làm sao những người nghèo có khả năng gửi con đến đây học.

Tôi thấy ở Phú Mỹ Hưng cái gì cũng đắt. Hàng quán ở đây cũng chặt theo “giá quốc tế”. Một li cà phê ở đây còn đắt hơn cả ở Mĩ và Úc. Một tô phở, bún bò Huế, hay một đĩa cơm tấm ở đây cũng đắt hơn ở các khu phố người Việt ở nước ngoài. Còn chất lượng thức ăn thì tôi nghĩ hơn xa các hàng quán người Việt bên Úc, nhưng kém xa chất lượng ở các hàng quán Việt trong khu phố Bolsa của Quận Cam (Mĩ). Các chưng “Việt kiều” nếu có về kiếm chỗ ăn uống thì đừng có dại dột mà vào đây để họ “chém” nhé!

Người-không-có

Còn cái nghèo của những người-không-có thì rất dễ thấy, nếu chịu khó đi qua các làng quê từ Bắc chí Nam, hay chỉ cần đến một vài bệnh viện ở TPHCM. Ở quê tôi, nhiều nông dân hiện nay không có đất để làm ruộng. Không biết có bao lăm phần trăm thành phần này trong nông thôn (cũng là một đề tài nghiên cứu quan trọng!) nhưng quan sát cá nhân cho thấy con số chắc khoảng 1 phần 3. Không có đất nên họ chỉ còn một nghề: làm mướn. Làm mướn thì thu nhập chỉ khoảng 30-50 ngàn đồng một ngày, tức khoảng 3 đô một ngày. Con số xem ra cũng tương đương với thu nhập trung bình toàn quốc, nhưng không phải như thế, vì làm mướn thường theo thời vụ. Mỗi năm, thời gian làm mướn cao lắm là 6 tháng mà thôi, do đó, con số thu nhập thực tế chỉ phân nửa con số lí thuyết.

Một bộ phận nông dân có đất thì đang lâm vào cảnh khó khăn rất trớ trêu: có lúa mà bán không được. Mấy tháng trước đây, giá một kg lúa là 5000-6000 đồng, nhưng chẳng hiểu biến động thị trường ra sao mà nay giá chỉ còn khoảng 3000 đồng/kg. Bán ra thì lỗ, mà không bán thì lấy gì làm thu nhập và trả nợ. Thật là một tình trạng dở khóc dở cười. Chính phủ vẫn hô hào rằng không để nông dân thiệt thòi, nhưng trong thực tế làm sao để họ không thua lỗ thì vẫn chưa rõ ràng. Thế là nông dân chịu trận …

Tôi còn có dịp đi thăm bà con ở vài làng quê thuộc tỉnh Bình Định, mà ấn tượng về cái nghèo khó có thể phai nhòa trong kí ức. Người dân miền Trung nghèo và cực khổ hơn dân miền Nam nhiều. Tôi không biết ở đây người ta sống bằng nghề chính gì, vì ruộng vườn thì chẳng bao lăm (hay ít ra là chẳng thấm gì so với ruộng vườn miền Nam). Một số người em họ và cháu họ tôi sống bằng nghề nuôi bò và đập đá. Mỗi nhà có vài con bò và nguồn thu nhập gần như tùy thuộc vào những con bò ốm o gầy mòn này. Nghề đập đá cũng vất vả lắm, vì phải dầm mưa dải nắng suốt ngày để có được thu nhập đâu chỉ vài chục ngàn đồng. Nhà cửa ở đây rất nhỏ và thấp, rất đúng với môtíp của “nhà nghèo”.

Thành ra, không ngạc nhiên, khi họ ngã bệnh thì cả nhà như lâm vào cảnh túng thiếu. Tôi thử làm một con toán cho một người bà con có đứa con mắc bệnh. Tiến xe đi từ Bình Định lên trung tâm xét nghiệm Medic là 200 ngàn. Cần nói thêm rằng họ phải đi từ lúc khuya để kịp lên xếp hàng lấy số vào buổi sáng sớm, rất nhọc nhằn. Tiền khám chưng sĩ chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng tiền xét nghiệm thì có khi lên đến 1 triệu đồng. Chưa hết, cái toa thuốc mới là nỗi ám ảnh ghê gớm nhất: 2 triệu đồng. Vài tháng lại lên tái khám một lần và cái chu kì chi tiêu sẽ lặp lại. Thử hỏi với một thu nhập vài chục ngàn đồng một ngày thì lấy đâu mà trang trải cho chi phí điều trị khổng lồ như thế. Có một cách: bà con chịu trận, mang bệnh trong người không thèm đi chữa trị. Một số khác thì thê thảm hơn: chờ chết. Tôi có nhận xét rằng người dân ở đây (và ở nông thôn miền Nam) nhận cái chết rất bình thản, bình thản đến độ mình nghe qua mà thấy đau quặn.

Vài ba câu chuyện thương tâm xảy ra trong làng tôi. Bà X bị bệnh đau khớp xương, và qua biết bao lần chữa trị không hết, mà tiền thì cứ cạn dần. Đến lúc mợ thấy không muốn làm phiền và hao tổn con cái nữa, bà quyết định treo cổ tự tử chết. Một người Khmer ngày xưa (trước 1975) có khoảng 20 công ruộng; sau 1975 cũng còn nguyên vẹn, vì gia đình có 5 con. Mấy đứa con đều có gia đình và chúng ra ở riêng, chỉ còn một mình bà ở trong căn nhà lá đơn sơ. Vài năm trước đây, bà bị bệnh khớp xương, nghe nói là đau đớn lắm; bà cố gắng chịu đau, không chịu mua thuốc uống, vì thuốc đắt đỏ quá. Đến khi cơn đau lên cao, bà tự tử bằng cách lấy dao tự cắt cổ mình. Vì nghèo quá, nghèo đến nổi không có tiền mua hòm để liệm. Hàng xóm phải góp tiền để mua cho bà một cái hòm để hỏa táng.

Các tổ chức y tế quốc tế một mặt ca ngợi thành tựu của ngành y tế Việt Nam, mặt khác họ cảnh báo rằng tình trạng thiếu công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân đứng vào hạng những nước tệ nhất thế giới (hạng 187 trong số 191 nước).

Do đó, con số thu nhập bình quân đầu người thì khả quan trên giấy tờ như thế, nhưng tôi tin rằng cái skewness (dịch là gì?) của đường phân phối chắc nghiêng về phía thu nhập thấp hơn là phía thu nhập cao. Nước ta vẫn còn nghèo, hay nói đúng hơn là “rất nghèo”. Vẫn chưa thể hài lòng với thành tựu khiêm tốn đó. Nhưng cái đang lo sợ nhất không phải là cái nghèo, mà là khoảng cách giữa nghèo và giàu, vì đây mới chính là chỉ số đo lường sự phát triển xã hội. Nếu lấy khoảng cách này làm chỉ tiêu đo lường, tôi nghĩ xã hội Việt Nam vẫn chưa thể xem là “hiện đại” được.

(Còn tiếp)

Xem thêm: Ghi chép cuối tháng 12/08: Hà Nội
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét