Xem ra cái tủ lạnh có nhiều chuyện đáng nói hơn mình tưởng. Tiếp nối phần 1, ở phần này mình đề cập kĩ hơn về việc sắp xếp và duy trì nhiệt độ phù hợp trong tủ lạnh.
Sắp xếp linh hoạt và hợp lý
Thực phẩm trong tủ lạnh không phải lúc nào cũng giống hệt nhau cả về thể loại lẫn số lượng. Tủ lạnh của "người độc thân vui tính" khác với tủ lạnh của một bà mẹ có con nhỏ đang tuổi ăn dặm, tủ lạnh đầu tuần khác với tủ lạnh cuối tuần... Chính thói quen ăn uống phong phú và đa dạng theo từng thời điểm, sở thích của từng thành viên, sự thuận tiện khi mua sắm... mà chiếc tủ lạnh có rất nhiều cách sắp xếp phù hợp, miễn là đáp ứng được nhu cầu bảo quản thực phẩm và hợp lý hóa không gian.
Tủ lạnh có một ưu điểm so với nhiều loại tủ khác là có thể điều chỉnh độ cao thấp của các ngăn, cho phép chúng ta bố trí linh hoạt tùy theo loại và lượng thực phẩm cần bảo quản. Với bản thân mình thì yếu tố thẩm mĩ khi sắp xếp tủ lạnh đứng hàng thứ yếu (tất nhiên nếu đẹp được thì càng tốt). Điều cần ưu tiên hơn là sự thuận tiện khi sử dụng, nói nôm na là dễ lấy và dễ cất. Do đó mình thích dùng các loại hộp và khay dài (có nắp hoặc không nắp tùy theo chế độ bảo quản) để tận dụng chiều sâu và chiều cao. Khi xếp như vậy, mình có thể quan sát hết các món đồ, khi cần lấy món nào có thể rút ra dễ dàng, lại giúp khí lạnh lưu thông giữa các hộp đựng tốt hơn. Nếu sắp xếp theo chiều ngang của tủ lạnh, thì ngoài việc phải nhấc các hộp bên ngoài để lấy các hộp bên trong, đôi khi cái đầu đãng trí của chúng ta còn quên bẵng mất ở phía trong đang có thứ gì, chưa kể đến hiện tượng đông đá ở các hộp bên trong và kém lạnh ở các hộp bên ngoài có thể xảy ra nếu xếp sát quá, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng thực phẩm.
Cũng vì nhu cầu thực phẩm khác nhau theo từng thời điểm, nên đôi khi các ngăn chức năng đã được "quy hoạch" cho từng loại thực phẩm không đủ chỗ để đáp ứng nhu cầu lưu trữ. VD: Ngăn trứng đựng được 12 quả trong khi chúng ta mua về 30 quả, nhiều loại gia vị và nước sốt đang ăn dở dang cần có chỗ ở riêng hơn là diện tích khiêm tốn bên cánh cửa, sở thích ăn nhiều rau khiến ngăn rau bị quá tải... Lúc đó, chúng ta có thể linh hoạt cho các loại thực phẩm đang lâm vào cảnh "không nhà" sang "tạm trú" ở các ngăn khác, miễn là vẫn có cách bảo quản phù hợp, không ảnh hưởng đến các loại thực phẩm đang chứa đựng ở đó. VD: Trứng có thể cho vào hộp kín, chai lọ hay đồ hộp đặt vào khay kéo, tạo thêm một ngăn rau phụ trợ bằng hộp nhựa đậy kín có tay cầm... và để chung trong ngăn lạnh. Một vấn đề nữa là đôi khi chúng ta phải "phá cách" để bảo quản thực phẩm ở những vị trí không được chuẩn mực lắm theo lời khuyên của các chuyên gia, miễn là qua thực tế trải nghiệm thấy vẫn OK. VD: Sữa bảo quản ở ngăn lạnh tốt hơn là ở cánh cửa, nhưng trong trường hợp chỉ có cánh cửa là nơi sắp xếp tối ưu để tiết kiệm diện tích thì cũng đành vậy và tất nhiên phải điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Cà chua cũng được khuyên bảo quản bên ngoài, nhưng đó là ở những vùng mát mẻ như Đà Lạt, miền Bắc mùa đông hay xứ ôn đới, chứ với khí hậu phương Nam mà không cho vào tủ lạnh cũng không có chế độ bảo quản đặc biệt thì có mà hỏng sớm.
Hộp đựng cho tủ lạnh
Nếu nhắm đến nhu cầu tối ưu hóa độ lạnh và tiết kiệm năng lượng thì có lẽ các hộp kim loại là phù hợp nhất do đặc tính dẫn nhiệt tốt. VD: thực phẩm bảo quản trong hộp inox sẽ lạnh hơn hộp nhựa. Tuy nhiên, do bản tính lười biếng cố hữu mà mình lại chuộng dùng hộp nhựa và thủy tinh trong tủ lạnh hơn bởi các hộp này trong suốt hoặc trắng mờ, chỉ cần liếc sơ là biết hộp nào đựng gì. Lý do nữa là hộp kim loại bảo quản lạnh tốt quá nên cần chỉnh tăng nhiệt độ để tránh hiện tượng đông, mà như thế lại không đủ độ lạnh cho các loại thực phẩm đựng trong những thể loại hộp và bao bì khác như rau, sữa, trứng... Đồ ăn chín thì mình chuyên dùng hộp thủy tinh có nắp đậy kín để dễ hâm trong lò vi sóng, còn các loại khác thì dùng khay, hộp nhựa phù hợp để bảo quản. Riêng thực phẩm đông lạnh thì mình dùng hộp nhựa Smart Flap của Nhật Bản với các ưu điểm: nhẹ, bền, đẹp; không cần dùng khóa mà nắp vẫn chặt và kín; đặc biệt có van thông khí nên thuận tiện khi sử dụng trong cả ngăn đông lẫn lò vi sóng (khi cho vào lò vi sóng chỉ việc mở van chứ không cần mở nắp). Các hộp này chịu nhiệt từ -20 đến 140 độ C, bằng nhựa không độc hại có kháng khuẩn. Mình mua 5 cỡ với dung tích dao động từ 150 đến 940ml, rất tiện dụng để đựng các khẩu phần ăn khác nhau cũng như sắp xếp tiết kiệm không gian. Khi không dùng thì xếp chồng các hộp lên nhau, lồng hộp nhỏ vào hộp to nên cũng gọn.
Không cần phải sắm quá nhiều hộp đựng vì có nguy cơ bạn phải tốn diện tích để lưu trữ cho những đồ vật không dùng đến. Ở nhà mình thì số lượng hộp và khay đựng không quá nhiều, thường vào những buổi mới đi chợ về với đầy ắp thực phẩm, mình sử dụng tới 90 hoặc thậm chí 100% số hộp mình có; nhưng lại đủ đa dạng để khi cầm một món đồ ăn mình không phải băn khoăn cái này nên lấy gì để đựng. Do đó, việc tính toán loại và số lượng hộp đựng cần thiết cho tủ lạnh không chỉ giúp bạn thuận tiện khi lưu trữ thực phẩm mà còn làm gọn tủ bếp của bạn.
Duy trì nhiệt độ phù hợp và hạn chế tiêu hao năng lượng
Thường thì ngăn đông có nhiệt độ âm, ngăn lạnh nhiệt độ từ 0-4 độ C và ngăn mát khoảng 7 độ C là phù hợp. Tuy nhiên, không hẳn chúng ta chỉ việc chỉnh nhiệt độ như thế là có thể đảm bảo duy trì đúng nhiệt độ. Sau đây là một vài tip để ổn định độ lạnh và hạn chế tiêu hao năng lượng.
- Mật độ phù hợp: không nhiều quá cũng không ít quá. Nếu tủ lạnh kín mít với những gói đồ ăn chồng chất lên nhau, không tạo một khe hở nào cả để khí lạnh lưu thông thì chất lượng bảo quản thực phẩm sẽ bị giảm sút, dễ phát sinh hiện tượng đông đá, úng rữa ở các vách tiếp giáp trong khi lại thiếu lạnh ở những nơi khác. Nếu sắp xếp đồ ăn quá ít thì sự trao đổi nhiệt với môi trường bên ngoài khi mở tủ sẽ tăng mạnh, vừa gây tốn điện vừa giảm độ lạnh. Do đó, để duy trì chế độ bảo quản tốt cũng như tiết kiệm năng lượng, ngoài việc chỉnh nhiệt độ phù hợp, nên sắp xếp thực phẩm với mật độ khoảng 60-80%. Vấn đề của hầu hết các gia đình lưu trữ thực phẩm cả tuần là chúng ta thường có một cái tủ lạnh đầy ắp vào đầu tuần và rỗng tuếch vào cuối tuần, mặc dù về cơ bản thức ăn được lấy đi đều đặn hàng ngày nên có quá tải một chút vào ngày đầu và thoáng rỗng vào ngày cuối cũng không ảnh hưởng tiêu cực gì lắm (tủ lạnh của ba mẹ mình nhét đủ thứ trên trời dưới biển mà hơn 20 năm vẫn chạy tốt cơ mà). Theo kinh nghiệm cá nhân thì mình thường sắp xếp dàn trải hết các ngăn nhưng lại tạo khoảng trống giữa các hộp và vách tiếp giáp, giữa các hộp với nhau và cũng như giữa nắp hộp với khoảng không bên trên để tạo không gian không kín quá cũng không hở quá, lại tận dụng được nhiều chỗ đựng.
- Luôn làm nước đá. Ngăn đông của mình có 2 tầng, tầng trên là để bỏ các hộp thực phẩm đông lạnh như thịt cá..., tầng dưới là nơi làm nước đá với khay đá rơi và bảo quản kem. Sự hiện diện của nước đá trong ngăn đông giúp độ lạnh được duy trì tốt hơn và tiết kiệm điện. Vì vậy, ngay cả khi không có nhu cầu dùng nước đá, mình vẫn luôn làm đá và đựng đầy khay trong tủ. Một ưu điểm nữa (rất phù hợp với tình hình thiếu điện ở Việt Nam) là khi ông điện lực có lên cơn "ẩm ương" thì độ lạnh của nước đá cũng như các hộp đồ đông lạnh sẽ giữ cho thức ăn không bị hư hỏng dù có cúp điện từ sáng đến chiều.
Tạm dừng ở đây, khi nào nhớ thêm điều gì hay ho thì lại "nhiều chuyện" vậy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét