Cha mẹ và những ngày xưa

Tôi sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đều là giảng viên đại học. Nhà tôi nằm trong khu tập thể của trường ĐHSP, xưa kia vốn là khu biệt thự kiểu Pháp rộng lớn của cố giáo sư Nguyễn Thúc Hào, sau này được chia cho 5 nhà vốn là giảng viên, cán bộ của trường. Người ta vẫn bảo nhau rằng đây là khu đất thiêng, nhờ có hương hồn cụ Hào – vị giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam – phù hộ mà những đứa trẻ lớn lên trong khu nhà ấy đều học hành giỏi giang, đỗ đạt. Chẳng biết thiêng thật không, nhưng rõ ràng là trong khu nhà ấy, hầu như nhà nào cũng có con được học bổng du học nước ngoài, hay đạt giải học sinh giỏi quốc gia… Chuyện được chuyển thẳng vào trường chuyên hay đậu vài ba trường đại học, với chúng tôi là hết sức bình thường.

Cha mẹ tôi làm thầy, nhưng cả bốn anh chị em chúng tôi chưa có dịp xem cha mẹ đứng lớp một ngày nào cả, bởi lẽ chúng tôi đều có con đường đi riêng của mình. Ngày xưa, nghề giáo còn cơ cực lắm. Căn nhà khoảng 50m2 là nơi sinh sống cho cả 6 con người, mà sao không thấy chật, có lẽ vì thời đó đồ đạc còn ít quá, nhu cầu cũng giản đơn. Bù lại, chúng tôi có khu vườn thật rộng. Khu vườn yên tĩnh toàn lá hoa và cây trái – là nơi lưu giữ bao kỉ niệm tuổi thơ và cũng góp phần nuôi chúng tôi khôn lớn. Trong khu vườn ấy, mẹ trồng rau - những giàn đậu quả đu đưa xanh biếc, cà chua chín mọng đỏ au, cải xanh rờn từng luống, mồng tơi leo ven bờ rào với những chùm quả tím được chúng tôi lấy làm mực bôi lem luốc cả bàn tay, rau thơm, rau dền và thật nhiều rau lá khác. Trong khu vườn ấy, cha tôi làm những giàn bầu bí mướp, ngày ngày cha thụ phấn, tôi nằm trên cái võng đung đưa dưới bóng mát của giàn cây, nhìn theo ong bướm lượn lờ và đếm quả non trên giàn. Nghĩ lại thuở ấy thế mà hay, toàn được ăn rau sạch của nhà trồng. Và cũng trong khu vườn ấy, chị em tôi trồng hoa. Mỗi lần mưa xuống, tóc tiên nở hồng cả lối đi, mà xứ Huế vốn mưa nhiều - đông cũng như hè, nên con đường hoa trong sân nhà tôi luôn rực rỡ. Tóc tiên dây cũng leo lên cái giàn tre nho nhỏ, nở hoa đỏ thắm. Những cành sao nhái mảnh mai ngày ngày đón nắng như những cánh bướm chấp chới bay lên. Thạch thảo tím cả sân nhà, và có những bụi hoa tôi chẳng biết tên cứ âm thầm nở, vãi hạt mỗi đợt hoa tàn để vườn tươi mãi sắc hoa.

Cha mẹ ở trường làm nghề giáo, về nhà lại phải làm thêm đủ thứ khác để nuôi con – mà vào thập niên 1980, hầu như ai chả vậy. Tôi nhớ nhà chúng tôi cũng nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt, nuôi cả chim bồ câu… Rõ là trong cái thời khốn khó ấy, chúng tôi vẫn cần cả bánh mì lẫn hoa hồng. Tôi nhớ những con gà mái cục ta cục tác dẫn con đi kiếm mồi, đàn gà con lông vàng óng ả mà chị em chúng tôi giành nhau mỗi đứa sở hữu vài con. Mỗi buổi sáng mai, anh em tôi chạy ra chuồng xem gà đẻ, chờ quả trứng hồng xinh lăn ra là đưa tay đón lấy, đem vào nhà. Chim câu thì sống trong cái chuồng xinh xắn áp mái nhà, hàng ngày vẫn tự do bay đi bay về, nhưng rồi một hôm cha tôi quên cất thang, đêm kẻ trộm vào bắt mất lũ chim, chúng tôi tiếc ngẩn ngơ. Sau này, nhà tôi lại còn nuôi ong nữa. Sáng sáng xem đàn ong kéo nhau đi tìm mật thật là vui mắt. Rồi đến ngày lấy mật – tay cầm tảng sáp dẻo quánh, mật ong nguyên chất thơm lừng, ngon hơn mọi thứ mật ong mà tôi đã từng ăn.

Ngày ấy, mỗi nhà thỉnh thoảng còn có bột mì của Liên Xô viện trợ. Cứ sáng sáng phải ăn bánh bột mì rán đến phát chán, mà không ăn thì còn biết ăn gì? Thỉnh thoảng cha làm bánh xèo, ngon đến lạ. Bây giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác ngồi bên bếp lửa chờ cha đổ chiếc bánh mới ra khỏi chảo, vừa ăn vội vừa xuýt xoa vì nóng. Mẹ làm kem và yaourt bỏ hàng cho quán, làm được 10 thì lũ con ăn hết 5, thôi thì cũng chịu khó để có thêm đồng ra đồng vào, con cái được bồi dưỡng chút ít cho đỡ thèm. Lại nhớ những buổi tối ăn cơm xong, cha mẹ chở nhau sang Đông Ba đi chợ đêm, vì lúc ấy cá theo ghe thuyền về từ cảng biển Thuận An vẫn còn tươi rói, vừa rẻ vừa ngon.

Ngày ấy khổ mà vui.

Vẫn nhớ mãi cái sân chung của khu tập thể, lũ trẻ con quần đùi áo cộc chơi đủ thứ trò vào những buổi chiều mát hoặc buổi trưa trốn ngủ. Nhớ cây trái vườn nhà trĩu quả đượm vị ngọt tuổi thơ. Gần nhà tôi có một cái hồ, xưa toàn lục bình trôi, chị em tôi ra lấy về chơi đồ hàng. Sau đó hồ bị lấp, từ đó mọc lên một khách sạn khang trang, lũ trẻ chúng tôi như thấy thiêu thiếu một cái gì. Sang thập niên 1990, nhà nhà bớt khổ, bắt đầu có của ăn của để. Khu nhà tôi đâm ra có giá với vị trí mặt tiền đường lớn. Rau cỏ thưa thớt dần, chẳng còn nghe tiếng gà gáy như xưa. Những căn nhà được hóa giá trở thành tài sản riêng, bốn gia đình quanh tôi đều bán nhà dời đi cả, chỉ nhà cha mẹ là vẫn còn đó, nằm lọt thỏm giữa khu khách sạn sầm uất của thành phố. Nhiều người vẫn đến gặp cha mẹ tôi gạ gẫm mua nhà để xây khách sạn, nhưng mảnh đất đã gắn với quá nhiều tình yêu và kỉ niệm, cha mẹ đâu thể đi xa. Anh chị giúp cha mẹ xây lại nhà trên đất cũ, rộng rãi và khang trang, nhưng mảnh vườn xưa đã bị dùng để xây dựng phần nhiều, làm tôi thấy lòng nhớ quá một tuổi thơ đẹp đẽ.

Trong suốt những năm tháng ấy, cha mẹ tôi vẫn làm thầy. Những dịp 20-11, học trò khắp nơi kéo về chia vui. Mẹ tôi có những người học trò dạy từ thuở xưa nay đã thành danh vẫn không quên cô giáo cũ. Cha tôi về hưu vẫn được trường mời theo nghiệp giảng – mà cha không thể bỏ bởi đứng lớp là một niềm vui.

Cha mẹ về hưu đã lâu rồi, cuộc sống nhẹ nhàng hơn xưa, con cái đều ổn định. Mảnh vườn tuy không còn rộng nhưng cũng đủ để cha mẹ trồng ít rau xanh thư giãn, thêm chút hoa lá làm đẹp nhà. Cha vừa đón nhận một niềm vui: được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” – một món quà tinh thần quý giá với người suốt đời tâm huyết cùng nghề giáo như cha mẹ tôi. Còn tôi, dẫu có đi xa, vẫn luôn mơ về ngôi nhà của ngày xưa và cả ngày nay, nơi tôi đã có những ngày tháng đẹp với đầy tình yêu và nỗi nhớ.
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét