Báo Vietnamnet lâu lâu đặt những vấn đề nan giải. Sinh viên nên gọi thầy cô như thế nào và xưng danh như thế nào. Xin kể các bạn cho biết: ở các đại học Úc tôi thấy sinh viên thường gọi thầy cô bằng tên (không phải họ), chẳng hạn như “Hi Tuan”. Nhưng cũng có trường hợp sinh viên mới vào họ gọi bằng danh xưng như “Dr. Nguyen” hay “Professor Nguyen”. Khi tôi còn ở Mĩ, sinh viên thường gọi tôi bằng danh xưng nhiều hơn là bằng tên, nhưng tôi bảo họ cứ gọi tôi là “Tuan”.
Tôi bảo sinh viên nước ngoài gọi tên, nhưng tôi không thể bảo sinh viên Việt Nam gọi tôi bằng tên, bởi vì tôi chịu ảnh hưởng nặng văn hóa truyền thống Việt Nam . Xưng hô mang tính văn hóa; mà, ngôn ngữ là một yếu tố của văn hóa. Văn hóa mình khác với Tây phương. Ở nước ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, nên người thầy đóng một vai trò đặc biệt trong xã hội. (Tất nhiên là ngoại trừ mấy ông thầy “cà chớn” thì tôi không nói ở đây). Thành ra, người thầy hay cô phải có một danh xưng cho đúng với chức năng và vai trò xã hội của mình. Thú thật, nếu một sinh viên Việt Nam mà gọi tôi bằng tên (như “Ê Tuấn” như kiểu Mĩ hay Úc) tôi chắc chắn không hài lòng. Tôi nghĩ danh xưng “Thầy” và “Cô” là hợp lí nhất, hay nhất. Tôi vẫn gọi các nhà sư Phật giáo là “Thầy”.
Còn sinh viên nên xưng gì với thầy cô? Tôi thấy “tôi” và “em” đều chấp nhận được cả. Nếu có sinh viên gọi “Thầy Tuấn” mà xưng “tôi” hay “em” tôi thấy chẳng có gì đáng trách. Thật ra, nhiều sinh viên trẻ chỉ đáng tuổi con cháu tôi, nhưng vì lên đại học thì mình cũng cho chúng nó làm “người lớn” một chút để xưng “tôi”. Còn đứa nào xưng “em” thì cũng được. Tôi lúc nào cũng gọi sinh viên bằng “anh” hay “chị” cho chắc ăn. Gọi họ bằng “em” hay “cháu” thì nghe ngọt ngào hơn, nhưng có lẽ do thói quen nên tôi vẫn thấy khó gọi như thế.
NVT
Trong lĩnh vực giáo dục, vai trò của người thầy đáng lẽ là chỉ dẫn, hướng dẫn cho sinh viên thì lời nói của giảng viên lại bị ngầm hiểu là chân lý cuối cùng, chỉ có đúng chứ không được nghi ngờ, tranh luận. Rất nhiều người đã nhận thấy điều này nhưng khi nêu vấn đề sinh viên có nên xưng "tôi" trong giao tiếp học đường hay không thì đa số vẫn còn ấp úng, e ngại...
Trò không dám xưng "tôi", thầy chưa quen nghe...
SV Nguyễn Tuấn Cường, ĐH Hoa Sen, kể lại rằng có một lần Cường tới gặp một giảng viên và “tự tin” xưng "tôi". Kết quả là em nhận được ánh mắt không hài lòng của vị giảng viên này. Kể từ đó, Cường cảm thấy có điều gì đó không ổn khi xưng “tôi” với thầy cô.
Cũng có kinh nghiệm xương máu về việc xưng “tôi”, SV Hoàng M. T. (ĐH Nông Lâm) kể: "Một lần lên thuyết trình, tôi cầm micro và xưng "tôi" với các bạn cùng lớp và cả với giảng viên phụ trách môn học. Sau khi buổi học kết thúc, có một bạn đến nói nhỏ với mình: "Bạn tự cao vừa phải thôi, thầy giáo năm nay đã gần 60 tuổi rồi!". Từ đó trở đi, T. không dám “tự tin” như thế!
SV Mai Quỳnh Tiên - ĐH Mở, cũng một lần dở khóc dở cười khi bị giảng viên cho rằng "không tôn trọng thầy" khi xưng "tôi" với thầy. Tiên rút ra bài học: "Chỉ nên xưng "tôi" khi thuyết trình. Không nên xưng "tôi" khi một mình trao đổi với giảng viên".
Cũng chính vì giảng viên chưa quen để chấp nhận việc sinh viên xưng "tôi" mà bạn Nguyễn Giao Long, SV ĐH Hoa Sen, băn khoăn: "Liệu rằng sinh viên xưng "tôi" với giảng viên thì có bị đánh giá xấu không? Quan hệ và điểm số có bị ảnh hưởng không? Dù gì đi nữa, với sinh viên chúng em, điểm số là rất quan trọng".
Khi được hỏi: "Có dám xưng "tôi" với thầy cô giáo không?", bạn M.Trực (ĐH Nông Lâm) nói: "Ngu gì!". Trực lý giải: "Xưng em, gọi cô/thầy là phù hợp nhất, vừa nhẹ nhàng tình cảm vừa cảm thấy gần gũi. Trong lớp em, nga y cả giờ thuyết trình hay trao đổi bài với các bạn thì tụi em phần lớn là xưng "mình". Em cũng chẳng cảm thấy “tự tin” khi xưng "tôi" với các bạn trong lớp. Nhưng trong lớp cũng có một vài bạn, vì văn hoá vùng miền mà xưng "tôi".
Thực tế cho thấy có nhiều SV và giảng viên chưa “quen”, nếu không muốn nói là không thích, với việc trò xưng “tôi” trong giao tiếp nhưng khi được hỏi, một số giảng viên vẫn bình tĩnh cho rằng đó là cách để nâng vị thế của SV lên, giúp SV tự tin hơn trong học tập.
Khuyến khích sinh viên xưng "tôi"
Với quan điểm đó, trường ĐH Hoa Sen từ lâu đã khuyến khích SV xưng "tôi" với giảng viên. Thậm chí suốt 15 năm qua, Hoa Sen không sử dụng bục giảng trong lớp học như là một cách để thu hẹp khoảng cách giữa người dạy và người học.
TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, phát biểu: "Cách xưng hô trong trường đại học hiện nay vẫn thể hiện một quyền lực hay nhiều quyền lực đan chéo lẫn nhau rất ghê gớm. Tôi mong rằng cách xưng hô trong trường đại học vẫn có tôn ti, trên dưới nhưng không đè bẹp sức bật của sinh viên". Theo bà, SV nên xưng "tôi" với thầy cô để khẳng định được vị thế của mình.
Tại trường ĐH Phan Chu Trinh - Quảng Nam, việc xưng "tôi" với giảng viên được nhà trường "dạy" cho sinh viên nga y từ khi nhập học. Nhà văn Nguyên Ngọc, thành viên sáng lập trường cho biết: "Chúng tôi không đồng tình với việc sinh viên xưng với thầy cô là "em, con, cháu...". Một khi sinh viên xưng "tôi" thì điều đó chứng tỏ chúng ta đã trao quyền tự chủ cho sinh viên, khuyến khích sinh viên phát huy cao nhất khả năng sáng tạo trong học tập”.
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, nếu tạo được cách xưng hô này thì mối quan hệ giữa thầy và trò sẽ tự nhiên hơn, thoáng hơn. Từ đó, nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục sẽ thay đổi". Ông cho rằng cải tiến phương pháp giáo dục bắt đầu bằng việc thay đổi cách xưng hô.
Xưng "tôi": Nên hay không nên?
SV Nguyễn Thị Hồng Hà, Khoa Ngôn ngữ Văn hóa của ĐH Hoa Sen, cho rằng cách tốt nhất là xưng "tôi" trong khi thuyết trình, phát biểu ý kiến trước lớp học. Còn ngoài giờ học, khi gặp riêng thầy cô thì xưng "em" cho tình cảm, thân thiện. Hà nói: "Khoảng cách thầy trò sẽ được rút ngắn khi xưng "em" với giảng viên".
Tương tự, bạn Nguyễn Thị Tường Vy, cũng là SV ĐH Hoa Sen, phát biểu: "Theo em, gọi "cô" xưng "con, em" khi gặp trực tiếp, trao đổi, hỏi bài với thầy cô thì sẽ gần gũi hơn, thân cận hơn. Nếu trong buổi thuyết trình mà xưng "tôi" là không có vấn đề gì đáng nói. Tuy nhiên, nhiều khi giọng nói của mình không được uyển chuyển, nhẹ nhàng mà xưng "tôi" thì rất phản cảm".
Tuy nhiên, cũng có những sinh viên ĐH Hoa Sen không đồng tình với những ý kiến trên. Bạn Nguyễn Giao Long nói: "Sinh viên ĐH thì nên xưng "tôi" để cảm thấy tự tin hơn và được rèn luyện để mai mốt không bỡ ngỡ khi vào làm việc tại công ty. Xưng "tôi" là để thể hiện ý kiến, quan điểm của mình". Cùng chung ý kiến, bạn Nguyễn Tuấn Cường cho rằng: "Khi phát biểu ý kiến, bảo vệ ý kiến của mình thì xưng "tôi" cảm thấy tự tin hơn, gan góc hơn".
Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu: "Theo tôi, vấn đề này khó là ở thầy cô. Mấy chục năm nay, thầy cô chúng ta đã quen với cách xưng "em, con, cháu" của sinh viên. Thậm chí, nhiều sinh viên cũng gọi "cô" xưng "con" với cả những nhân viên trong phòng kế toán, phòng đào tạo - những người không hề dạy mình".
Bà Bùi Trân Thúy, giảng viên ĐH Hoa Sen, thừa nhận mình không câu nệ việc xưng hô của sinh viên. Nhưng bà đã từng bị sốc khi nhận được e-mail của một sinh viên với lời chào: "Hi, cô Thuý". Và vị giảng viên này còn sốc hơn khi gởi đi 2 e-mail trao đổi đề tài với sinh viên này và đều nhận được câu trả lời rất gọn và rất “Tây” là: "OK".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét