Bàn về ngành vật lí ở Việt Nam

Hôm 14/8, anh Nguyễn Đức Phường bên Tia Sáng có nhã ý phỏng vấn tôi về tình hình ngành vật lí. Tôi phân vân hoài, vì mình đâu phải người trong ngành mà nói chuyện. Không khéo thì có người sẽ nói mình "xía vô chuyện người khác". Nhưng anh ấy đốc thúc quá nên tôi đành nói lên vài suy nghĩ của mình. Bài phỏng vấn được Tia Sáng đúc kết và "nấu nướng" thành một bài viết có tên là "Vật lí Việt Nam đang ở đâu" tại http://www.tiasang.com.vn/news?id=2988.

Ở đây, tôi chỉ post lại trả lời của tôi để các bạn rõ hơn.

NVT

Tia Sáng: Giáo sư đánh giá như thế nào về thực trạng ngành vật lý nước ta (cả ngành lý thuyết và ứng dụng) hiện nay?

NVT: Với vật lí tôi là người “ngoại đạo”, nên không thể nào dám đánh giá thực trạng ngành vật lí trong nước được. Tuy nhiên, người ngoài cuộc cũng đôi khi có những cái nhìn khách quan hơn người trong cuộc. Nhìn từ ngoài, tôi thấy ngành vật lí Việt Nam đã có những thành quả đáng kể so với các nước trong vùng Đông Nam Á, nhưng vẫn còn kém nhiều so với những nước đã phát triển như Singapore.

Số bài báo khoa học công bố trên các tập san khoa học quốc tế thường được xem là một thước đo chính của thành quả khoa học của một nước. Dựa vào thước đo này, tôi ước tính rằng số công trình nghiên cứu vật lí ở nước ta chiếm khoảng 11% tổng số công trình nghiên cứu khoa học đã công bố trên các tập san quốc tế. Tỉ lệ này cao hơn các nước trong vùng, và cho thấy vật lí là một thế mạnh trong hoạt động khoa học ở nước ta.

Tuy nhiên, khi so sánh với các nước trong vùng cung cấp cho chúng ta một “bức tranh” khác. Dựa vào dữ liệu của Viện thông tin khoa học (ISI), tôi ước tính số bài báo khoa học về vật lí từ Việt Nam tính từ thập niên 1960s đến nay là khoảng 1900 bài. Số bài báo vật lí của Việt Nam chỉ bằng 1/6 con số bài báo từ Singapore (11.620 bài), nhưng cao hơn các nước lân cận như Thái Lan (961 bài), Mã Lai (1321 bài), Nam Dương (706 bài) và Phi Luật Tân (338 bài).

Phân tích từng ngành cho thấy hoạt động nghiên cứu vật lí của nước ta đa dạng hơn các nước khác trong vùng, nhưng cũng cho thấy một khuynh hướng đáng lo ngại. Khoảng 1/3 công trình nghiên cứu vật lí ở nước ta liên quan đến vật lí chất rắn, trong khi đó ngành này chỉ chiếm 14 đến 22% ở các nước khác trong vùng. Một điểm đáng chú ý là chỉ có 13% tổng số công trình nghiên cứu vật lí nước liên quan đến vật lí ứng dụng, trong khi đó ở các nước có nền kinh tế phát triển hơn nước ta như Thái Lan và Singapore thì tỉ lệ bài báo vật lí ứng dụng chiếm gần 50% tổng số bài báo vật lí (xem bảng 1).

Phân tích chất lượng công trình nghiên cứu cho thấy các công trình vật lí học ở nước ta thuộc vào hạng trung bình. Tính trung bình, số lần trích dẫn cho mỗi bài báo khoa học vật lí từ Việt Nam là 5.2 lần, cao hơn Thái Lan (5.1) và Mã Lai (4.0), nhưng thấp hơn Nam Dương (8.3), Phi Luật Tân (6.1) và Singapore (6.1). Chỉ số H của ngành vật lí nước ta là 32, cao hơn Thái Lan (31), Mã Lai (26), Phi Luật Tân (19), nhưng thấp hơn Nam Dương (34) và Singapore (59).

Như vậy, các số liệu này cho chúng ta thấy nghiên cứu vật lí ở nước ta đa dạng, nhưng chỉ tập trung vào vật lí chất rắn, và số công trình liên quan đến vật lí ứng dụng còn quá thấp. Ngoài ra, chất lượng các công trình vật lí học ở nước ta chỉ ở mức trung bình.

Bảng 1. Phân phối số bài báo khoa học (tính phần trăm trên tổng số) liên quan đến vật lí học từ 1960 đến 2008 xuất phát từ một số nước trong vùng Đông Nam Á
Ngành
Việt Nam
Thái Lan
Mã Lai
Nam Dương
Phi Luật Tân
Singapore
Vật lí thiên thể & thiên văn
2,2


16,1


Địa vật lí
3,1


24,1
18,6

Khoa học vật liệu
13,4
26,4


23,4

Vật lí ứng dụng
12,6
48,4
36,9
21,4

50,4
Sinh vật lí (biophysics)
0,0
25,2



5,3
Vật lí nguyên tử và phân tử
6,6

13,1
8,5
11,2
7,2
Vật lí chất rắn
33,5

26,1
15,9
14,2
21,5
Vật lí chất lõng, plasma
0,0




4,0
Toán vật lí
5,1

8,5

10,7
6,2
Vật lí (đa ngành)
13,8

15,4
6,1
21,9
5,4
Vật lí hạt nhân
4,6


7,9


Vật lí hạt (particle physics)
5.1





Tổng số bài báo
1879
961
1321
706
338
11620
Chỉ số trích dẫn trung bình
5,18
5,06
3,96
8,34
6,07
6,09
Chỉ số H
32
31
26
34
19
59

Tia Sáng: Các đoàn Việt Nam đoạt nhiều huy chương vàng và giải cao trong các kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế nên nhiều người cho rằng, lĩnh vực vật lý lý thuyết của Việt Nam cũng thuộc hàng "top" của thế giới. Giáo sư có suy nghĩ gì về nhận định này?

NVT: Chúng ta có nhiều học sinh đoạt huy chương trong những cuộc thi quốc tế về toán, vật lí, hóa học, tin học, sinh học, v.v… và điều đó cũng đáng biểu dương. Nhưng chúng ta không nên tự ru ngủ bằng những huy chương đó, không nên dựa vào những thành công của một số rất nhỏ học sinh xuất sắc đó để khái quát hóa rằng khoa học nước ta đứng vào hàng “top” trên thế giới. Cần phải thành thật nhìn nhận rằng những giải thưởng mà các em đoạt được chỉ là những thành tựu cấp thấp, chứ không phải tầm cỡ khoa học hay sáng tạo gì mà chúng ta lấy đó làm tự hào.

Thú thật, cứ mỗi lần báo chí đưa tin học sinh ta chiếm giải này giải nọ trong các cuộc thi quốc tế là tôi thấy … lo lắng. Lo lắng vì sợ các nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung tiền bạc vào việc đào tạo những “gà nòi” như thế và bỏ quên một quần thể lớn hơn. Bất cứ nước nào, kể cả các nước nghèo nhất, vẫn có thể đào tạo ra những thiểu số chuyên đi thi quốc tế để chiếm giải thưởng, nhưng không phải nước nào cũng có thể tạo ra một thực lực khoa học ở tầm vóc quốc gia. Nói cách khác, chúng ta cần đầu tư có hệ thống vào việc nâng cao trình độ khoa học của một quần thể để tạo ra được một thực lực khoa học đủ cạnh tranh trên trường quốc tế, chứ không nên tốn nhiều tiền để rèn luyện một thiểu số rất nhỏ chỉ để đi chiếm giải thưởng quốc tế cấp thấp.

Như trên tôi đã trình bày, nghiên cứu vật lí ở nước ta chỉ đứng vào hạng trung bình, chứ không thể nói là “top” trên thế giới được. Do đó, ưu tiên của chúng ta hiện nay là nâng cao hoạt động nghiên cứu vật lí sao cho các công trình nghiên cứu từ trong nước có mặt nhiều trên các diễn đàn khoa học quốc tế, là tìm một định hướng nghiên cứu vật lí để đóng góp vào phát triển khoa học và kinh tế cho nước nhà.

Tia Sáng: Để phát triển ngành vật lý trong nước, theo giáo sư, chúng ta nên làm gì và tập trung phát triển những lĩnh vực nào của vật lý?

NVT: Qua phân tích trên và có lẽ hơi chủ quan nghề nghiệp, tôi thấy chúng ta nên tập trung vào nghiên cứu vật lí ứng dụng. Một trong những ngành khoa học phát triển nhanh nhất hiện nay và được xem là ngành khoa học mũi nhọn của thế kỉ 21 là công nghệ y sinh học. Trong quá khứ, các nước phát triển tập trung nghiên cứu vật lí vào việc phát triển các phương pháp chẩn đoán y khoa, công nghệ gien, công nghệ sinh học, v.v… Tất cả các ngành khoa học này đều cần sự đóng góp của vật lí. Thế nhưng trong thực tế, chúng ta thấy ở nước ta, y tế và công nghệ sinh học chưa được phát triển tốt, một phần do thiếu ứng dụng vật lí. Do đó, một lần nữa, tôi thấy cần phải nghiên cứu vật lí ứng dụng để thúc đẩy và giúp đỡ phát triển các ngành khoa học mũi nhọn của thế kỉ 21.

Tia Sáng: Đội ngũ những người Việt theo đuổi ngành vật lý ở nước ngoài? và họ có đóng góp như thế nào đối với sự phát triển của ngành vật lý trong nước?

NVT: Như nói trên, tôi là người ngoại đạo, nên không biết rõ đội ngũ người Việt nghiên cứu về vật lí ở nước ngoài. Tuy nhiên, qua quan sát cá nhân, tôi thấy con số này không nhiều so với các ngành khác như kĩ thuật, khoa học máy tính, y khoa, kinh tế, và sinh học. Tuy con số không nhiều, nhưng tôi biết có một số nhà vật lí gốc Việt rất xuất sắc trên trường quốc tế.

Tia Sáng: Ở nước ta đang có một hiện tượng, rất nhiều bạn trẻ học vật lý-thậm chí đang làm PhD hoặc đã kết thúc PhD, nhưng rồi cũng không tiếp tục theo đuổi sự nghiệp khoa học vì điều kiện lương bổng và điều kiện làm viêc trong nước quá thấp. Theo giáo sư, chúng ta phải khắc phục điều này như thế nào?

NVT: Tôi nghĩ cần phải nhìn vấn đề một cách khác: tính thực tế của các ngành nghề. Vật lí (và toán học) nói chung là những ngành khoa học cơ bản, rất khác với những ngành như kĩ thuật, y khoa, kinh tế, hay khoa học máy tính. Sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khoa học cơ bản có thể làm nhiều nghề khác nhau, nhưng sinh viên các ngành khoa học ứng dụng như vừa kể là những người “nhất nghệ tinh”. Tính “đa ngành” của sinh viên vật lí là một thế mạnh, nhưng trong thực tế việc làm là một thế yếu. Một kĩ sư điện biết mình sẽ làm về điện lực, nhưng một nhà vật lí học có thể có nhiều lựa chọn, như có thể làm trong ngành y tế, xây dựng, phân tích dữ liệu, công nghệ thông tin, thậm chí làm … tình báo (ở nước ngoài, không ít nhà vật lí làm tình báo). Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp và cơ quan nhà nước vẫn chưa biết sinh viên vật lí có thể làm gì cho doanh nghiệp của họ. Do đó, tôi nghĩ các đại học cần phát động một chương trình quảng bá khả năng đóng góp của các sinh viên tốt nghiệp ngành vật lí cho phát triển kinh tế, khoa học và doanh nghiệp.

Theo thống kê của Viện vật lí Mĩ, xu hướng việc làm của các nghiên cứu sinh tốt ngiệp tiến sĩ như sau: khoảng 40% có việc làm trong các công ti kĩ nghệ và nhà nước; 50% tiếp tục nghiên cứu hậu tiến sĩ (postdoc research); và 10% thất nghiệp hay có việc làm tạm thời. Trước đây, tôi có đề nghị nên thiết lập một chương trình nghiên cứu hậu tiến sĩ để nuôi dưỡng các nghiên cứu sinh mới tốt nghiệp tiến sĩ.

Thời gian gần đây, chúng ta hay nghe đến tình trạng các nhà khoa học có khả năng “chia tay” với các cơ quan Nhà nước. Một trong những lí do mà các nhà khoa học rời bỏ hệ thống Nhà nước là họ cảm thấy lương bổng chưa tương xứng với khả năng chuyên môn của họ, và cơ chế lương bổng cứng nhắc, thiếu công bằng. Do đó, cần tiến đến một chính sách tưởng thưởng các nhà khoa học một cách thích đáng theo khả năng chuyên môn. Chẳng hạn như chính sách đề bạt và lương bổng cần phải dựa vào số công trình khoa học công bố trên các tập san quốc tế và chất lượng nghiên cứu hơn là dựa vào thâm niên công tác hay chức vụ hành chính.

Nói tóm lại, để nâng cao khả năng xin việc làm của sinh viên vật lí, tôi nghĩ các hiệp hội vật lí cần phải quảng bá những đóng góp của họ cho quần chúng biết họ có thể làm gì cho khoa học và kinh tế, cần phải có chương trình nghiên cứu hậu tiến sĩ để nuôi dưỡng các nhà nghiên cứu vật lí tương lai, và cần phải có chính sách lương bổng hợp với khả năng chuyên môn.
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét