Trang web Đại học Y Dược TPHCM

Cách đây cũng lâu vì nhu cầu liên lạc với một người bạn, tôi ghé vào thăm trang web của Đại học Y Dược TPHCM (ĐHYD), và có ghi lại vài cảm nhận. Những ghi chép rất ư là “lâm thời” đó được nhiều bạn đồng tình. Hôm nay, tôi lại vào trang web để tìm một bài báo khoa học, nhưng tìm không ra, và thấy trang web vẫn chưa có cải tiến nào đáng kể. Tôi muốn ghi lại đây vài cảm nhận tạm gọi là “cập nhật” để trước là chia sẻ cùng các bạn và sau là góp phần làm thay đổi trang web này. Sẵn đây tôi kèm theo một bài tôi góp ý về cách đặt tên cho đại học mà tôi viết cũng mấy năm rồi nhưng không gửi cho ai vì tôi vẫn thấy chưa đạt. Nay mình có trang blog nên gửi lên đây để các bạn cùng xem qua.


"Bộ mặt" của Đại học Y Dược TPHCM trong thế giới mạng

Trang web do ai làm? Phía dưới trang web cho chúng ta biết trang này do công ti Netnam thiết lập vào năm 2006:

“Copyright © 2006, The University of Medicine & Pharmacy at Hochiminh City.All Rights Reserved
Develop by NetNam”

Có lẽ người viết muốn viết là “Developed by NetNam”?.

Tôi không hiểu tại sao trang web có tên là yds.edu.vn. y thì chắc là y, d là dược, còn s là gì? Hình như ở nước ta chưa có qui ước để đặt tên domain, nên trường nào muốn đặt tên gì cũng được.

Mục tiêu trang web là gì?

Trang web của một trường đại học có mục tiêu là gì? Không phải là chuyên gia làm web, nhưng tôi nghĩ trường đại học thiết lập trang web nhằm 4 mục tiêu sau đây:

· Phục vụ cộng đồng khoa học. Mục tiêu đầu tiên phải là phục vụ cho sinh viên, giáo sư, nhân viên đại học, v.v… một phương tiện để trao đổi thông tin khoa học và hành chính. Thật vậy, ngày nay có thể nói rằng trang web của một trường đại học là một trường đại học ảo, nơi mà sinh viên có thể tìm tài liệu học tập, mượn sách, tìm giáo trình, xem điểm thi, tìm tài liệu nghiên cứu, thậm chí nhìn và nghe bài giảng trực tuyến. Đó là chưa kể hầu hết các thủ tục hành chính đều có thể thực hiện qua trang web.

· Quảng bá thương hiệu. Mỗi đại học là mỗi thương hiệu. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy các đại học có những logo, những qui định khắc khe về cách viết tên trường đại học loại font gì, kích thước cỡ nào, xuất hiện ở đâu, v.v… Nhiều khi người ta có những kì thi để tìm những mẫu tự tắt làm thương hiệu cho đại học. Chẳng hạn như khi viết “UNSW” thì người ta biết ngay đó là University of New South Wales, hay CalTech thì ai cũng biết đó là California Institute of Technology.

· Tiếp thị. Nói cho cùng mỗi đại học ngày nay là một doanh nghiệp hay business. Vì thế, tiếp thị đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút sinh viên tốt và giáo sư giỏi. Theo mục tiêu này, trang web đại học phải cung cấp thông tin dồi dào để người sử dụng có thể biết thế mạnh của trường là gì và cơ hội ra sao.

· Liên lạc. Một trang web hữu cơ không thể nào thiếu được hệ thống email để sinh viên, giáo sư và nhân viên trường sử dụng. Trang web phải đảm bảo nhân viên đại học có thể truy cập hộp thư bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu có điều kiện internet.

Đối chiếu lại với trang web của trường ĐHYD, tôi e rằng trang web này chưa đáp ứng đầy đủ bất cứ mục tiêu nào trên đây. Trang web của ĐHYD rất nghèo nàn, chẳng có thông tin nào có thể xem là có ích. Có thể nói rằng trang web cung cấp những thông tin mà chúng ta không cần, nhưng những thông tin mà chúng ta cần thì lại không có. Thay vì cung cấp thông tin về bộ môn, nhân sự, địa chỉ liên lạc, công trình nghiên cứu khoa học cụ thể là gì, bài báo khoa học tiêu biểu, v.v… thì trang web lại cung cấp mấy con số thống kê về số cán bộ, bao lăm người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, bao lăm giáo sư, phó giáo sư, hoạt động đoàn đảng, v.v… Công chúng cần biết nhân sự và chuyên gia cụ thể để liên lạc và tư vấn, chứ không cần biết mấy con số thống kê vô hồn chẳng nói lên được điều gì.

Đây là những thông tin hoạt động mà công chúng không cần biết

Trang web cũng chẳng quảng bá được thương hiệu của trường hay tiếp thị gì cả. Có lẽ ở nước ta, chỉ có vài trường y nên việc tiếp thị không được đặt ra chăng? Lại còn nhặp nhằng về tên gọi “khoa” và “trường”. Chẳng hạn như nhấn vào khoa y thì thấy phía trên là “KHOA Y”, nhưng phía dưới là: “Trường Y khoa – Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh”! Trường hay là khoa?


Đây là trang web của khoa y, nhưng phía dưới thì ghi là "trường"!

Quan trọng nhất là vẫn còn những trang “chết”. Chẳng hạn như khi nhấn nút English thì thấy trang web là http://192.168.0.55:8000/english/index.htm nhưng không nối kết được vì đường dẫn bị gãy! Còn nhấn vào Tạp chí Y học (http://tcyh.yds.edu.vn/) thì thấy

Tập 12* Số 1 * 2008 , chuyên đề GÂY MÊ HỒI SỨC, Trang 1 -124
Tập 12* Số 1 * 2008 , chuyên đề KHCB - YTCC, Trang 1 -94
Tập 12* Số 1 * 2008 , chuyên đề NGOẠI SẢN, Trang 1 -142
Tập 12* Số 1 * 2008 , chuyên đề NHI, Trang 1 -235
Tập 12* Số 1 * 2008 , chuyên đề TAI MŨI HỌNG - MẮT, Trang 1 -264
Tập 12* Số 1 * 2008 , chuyên đề Y HỌC CƠ SỞ, Trang 1 -125

Nhưng chẳng có nội dung gì cả! Đúng là treo đầu dê bán thịt chó, mà thật ra cũng chẳng có thịt chó để bán! Thật là hết ý!

Một người bạn là giáo sư ở ĐHYD kể một chuyện vui nhưng hoàn toàn có thật. Chị hay dùng địa chỉ email của trường để liên lạc với đồng nghiệp nước ngoài, nhưng vì địa chỉ này không đáng tin cậy (hiểu theo nghĩa thư người ngoài gửi thì chẳng đến, và thư chị gửi thì chẳng đi), nên chị quyết định sử dụng địa chỉ yahoo. Đồng nghiệp nước ngoài nhận thư chị qua địa chỉ yahoo, và họ nghĩ là chị đã nghỉ việc rồi vì bây giờ chị ấy sử dụng địa chỉ email công cộng! Ngay cả một địa chỉ email mà website còn không cung cấp được cho giáo sư thì quả là đáng ngạc nhiên. Người ta phải hỏi một dịch vụ nhỏ như thế mà còn không làm được thì trang web có nên tồn tại hay không?

Vấn đề tên trường

Đại học tên gì? Tên chính thức của trường bằng tiếng Việt là “Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh”. Không có gì phải bàn cãi ở đây. Nghe nói rằng trước đây trường nằm trong hệ thống Đại học Quốc gia, nhưng sau này thì tách ra. Có lẽ Việt Nam ta là một trong số ít nước có những trường đại học chuyên ngành như y, dược, y tế công cộng, kĩ thuật, ngân hàng, thậm chí có cả đại học … công an! Tôi nghĩ cách tổ chức như thế này (theo chuyên ngành) rất tốn kém nhân lực và không cần thiết, nhưng chắc còn lâu mới thay đổi được môi trường này.

Tên tiếng Anh của trường là gì ? Cứ theo như trang web thì tên tiếng Anh của trường là: The University of Medicine & Pharmacy at Hochiminh City. Tôi thấy vài điểm không ổn ở đây:

Thứ nhất là tên gọi “Hochiminh”. Thật ra thì “Hồ Chí Minh” mới đúng là tên sau cùng của ông cụ. Và, nếu viết theo tiếng Anh thì phải là “Ho Chi Minh”, chứ sao lại Hochiminh? Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận ai viết tên mình kiểu như “Nguyenvantuan”. Ngay cả tên mà còn không tôn trọng thì tôi chẳng hiểu người đặt tên trường suy nghĩ gì! Do đó, cần phải viết tên nghiêm chỉnh là “Ho Chi Minh City”, chứ không nên viết theo kiểu chẳng giống ai như thế được.

Thứ hai là chữ “at”. Tôi e rằng có sự bắt chước nước ngoài, nhưng bắt chước không đúng cách. Trên thế giới, có những trường đại học lấy tên bang làm tên chính và kèm theo tên thành phố làm tên phụ. Trong trường hợp này, người ta sử dụng “at” để chỉ thành phố đó. Chẳng hạn như trường Đại học Colorado, ngoài trường ở Denver, họ còn có một trường ở thành phố Boulder, cho nên họ gọi là University of Colorado at Boulder, hay University of Illinois at Chicago, University of Alabama at Birmingham. Tuy nhiên, cũng có trường họ bỏ chữ “at” như University of California, San Diego, University of California, San Francisco, University of California, Berkely, v.v… Còn trường hợp của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thì không nên có chữ “at” bởi vì “Y Dược” là tên ngành học (chứ không phải tên bang hay tên thành phố). Theo tôi là phải bỏ chữ “at” để người nước ngoài không cười mỉm là chúng ta bắt chước tầm bậy.

Thứ ba là dấu “&”. Ngoại trừ Texas A&M University (đã thành một thương hiệu), rất ít trường nào dùng dấu này trong tên gọi chính thức của một trường lớn có tầm vóc quốc gia. Tôi đề nghị bỏ nó đi, vì trông rất ư là nhức mắt và dễ bực mình.

Vậy thì nên đặt tên trường là gì?

Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ cần phải xem qua cách đặt tên trường ở ngoài này ra sao và “đặc điểm hữu cơ” của trường.

Có rất nhiều cách đặt tên, nhưng tựu trung lại chỉ có 2 cách chính mà tiếng Anh họ gọi là hình thức premodifying (tôi tạm dịch là hình thức tính từ) và hai là preposition (hình thức giới từ). Theo hình thức tính từ, người ta hay đặt tên theo công thức X University, trong đó X là tên bang hay thành phố hay danh nhân. Theo hình thức giới từ, người ta đặt tên theo công thức University of Y (có chữ of), trong đó Y là tên thành phố hay tiểu bang. Chẳng hạn như Ohio University là theo hình thức tính từ, còn University of New South Wales là theo hình thức giới từ.

Hình thức giới từ được xem là nghiêm trang hơn hình thức tính từ. Chính vì lí do này mà Đại học Bắc Kinh đã đổi tên từ Peking University thành University of Beijing. Nhiều khi người ta thêm mạo từ The phía trước cho trang trọng, như The University of Sydney. Nhưng cũng có trường được gọi theo hai hình thức, như Oxford University có khi được gọi là University of Oxford.

Theo tôi thấy các trường lấy tên của danh nhân thường đặt tên theo hình thức tính từ. Chẳng hạn như Harvard University, Johns Hopkins University, Stanford University, Cornell University, Brown University, Yale University, v.v… Nhưng các trường công lấy tên tiểu bang hay tên thành phố thì thường đặt tên theo hình thức giới từ.

Còn trường ĐHYD thì … không giống ai. Trường theo danh nghĩa không phải là đại học của TPHCM, mà là của cả nước. Vì thế, không thể đặt tên là Ho Chi Minh City University of Medicine and Pharmacy được, cũng không thể là Ho Chi Minh University of Medicine and Pharmacy vì trường này chưa được phép lấy tên cụ Hồ đặt tên!

Thật ra, theo tiêu chuẩn quốc tế và so sánh về qui mô, trường ĐHYD TPHCM còn nhỏ hơn một phân khoa (faculty) y ở các trường đại học Tây phương. Do đó, ngay cả cái danh từ University cũng có thể cần phải đặt ra. Có thật sự trường xứng đáng với danh hiệu University không? Hay chỉ nên gọi là College hay School?
Thật ra, có nhiều trường đại học nổi tiếng chẳng cần đến danh từ University. Ví dụ như London School of Economics (LSE), Dartmouth College, California Institute of Technology (CalTech), v.v… chẳng cần danh xưng University mà ai cũng biết đây là những “thương hiệu” hàng đầu trong trường khoa bảng quốc tế. Nhưng có lẽ trường ĐHYD TPHCM chưa đủ can đảm để lấy danh xưng School hay College đâu, vì ở nước ta người ta thích University nghe nó “kêu” hơn.

Một điều cần lưu ý là trường không phải chỉ đào tạo chưng sĩ và dược sĩ, mà còn đào tạo cả nha sĩ và chưng sĩ y học cổ truyền, và điều dưỡng. Chẳng hiểu sao họ lại “quên” các khoa này mà chỉ nói đến y và dược! Do đó, tôi cho rằng nếu chỉ lấy tên Đại học Y Dược là chưa phản ảnh đầy đủ trường và không công bằng cho các khoa nha, y học cổ truyền, y học cộng đồng, và điều dưỡng. Tất cả các lĩnh vực hoạt động này có thể tóm lược bằng một cụm từ health sciences (khoa học y tế). Đây cũng chính là một cách đặt tên khá thông dụng ở ngoài này.

Do đó, đặt tên trường cần phải xem xét đến hình thức và cơ cấu hữu cơ của trường. Theo đó, tôi suy nghĩ đến các lựa chọn sau đây:

(A) University of Medicine and Health Sciences – Ho Chi Minh City
(B) University of Health Sciences – Ho Chi Minh City
(C) Ho Chi Minh City University of Health Sciences

Tên (A) nhấn mạnh y khoa, và đặt tên thành phố phía sau tên với dấu gạch nối. Tên (B) chỉ lấy tên Health Sciences. Tên (C) đặt tên thành phố phía trước và health sciences phía sau. Cá nhân tôi chọn B ưu tiên, và sau đó đến C.

Quay trở lại chuyện trang web, tôi nghĩ trang web của trường Đại học Y Dược TPHCM cần phải thiết kế lại hoàn toàn. Nếu tôi là hiệu trưởn, tôi sẽ vứt bỏ trang web cũ, làm lại trang web mới cho đàng hoàng hơn, nghiêm chỉnh hơn, và chuyên nghiệp hơn (chứ không phải làm như kiểu trò chơi của học sinh).

Cần phải suy nghĩ về tên chính thức của trường bằng tiếng Anh, chứ tên hiện nay theo tôi là không thể chấp nhận được vì nó thiếu tính nghiêm trang và khá tùy tiện. Trường Đại học Y Dược TPHCM là một trong những trung tâm đào tạo hàng đầu ở nước ta, và để xứng đáng với vị trí này trường cần phải có một bộ mặt trí thức và sáng sủa hơn trên thế giới thông tin toàn cầu.

NVT

PS. Ngay cả trường Đại học Y Hà Nội, dù chẳng có nội dung gì phong phú, nhưng chắc chắn là “ngon lành” hơn trang web của ĐHYD TPHCM. Thật ra, hầu hết các trang web của các đại học ở nước ta đều nghèo nàn. Ngoại trừ các trang web như của Đại học chưngh khoa TPHCM và Đại học chưngh khoa Hà Nội coi khá khá, tôi chẳng thấy trang web đại học nào “xem được” cả. Có nơi thì quá màu mè (cứ như là con nít thiết kế, nên nhớ rằng học sinh lớp 7 hay 8 đã có thể làm website), có trang thì quá chậm (như trang web Đại học Cần Thơ), hay có trang thì rời rạc (như trang web của Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM) chẳng biết đường đâu mà mò.

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét