United Airlines

United Airlines 20/9
Chẳng hiểu sao năm nay tôi đi máy bay có khá nhiều trắc trở so với mấy năm trước đây. Chuyến bay từ Los Angles về Sydney lần này cũng có vài “sự cố” mà tôi nghĩ cần phải nói ra đây để những ai hay chê bai Hãng hàng không Việt Nam nên so sánh một chút và đi đến nhận xét công bằng hơn. 



Vì biết chuyến đi xa, nên tôi cố gắng đến phi trường LAX trước 2 giờ bay để làm thủ tục check-in. Phi trường LAX rất lớn, nên lái xe một hồi mới đến khu số 7 (tức khu vực của United Airlines). Đến nơi (khoảng 8:00 PM), tôi thấy chỉ le ngoe vài (chính xác là 4 người) nhân viên của UA đang chạy tới chạy lui lo giúp hành khách. Thời gian gần đây thủ tục check-in của UA nói riêng và của các hãng hàng không Mĩ nói chung đã thay đối rất nhiều. Bây giờ hầu như hành khách tự làm thủ tục check-in bằng dàn máy tính hiện đại, chứ không qua một nhân viên hãng hàng không như chúng ta từng biết. Có lẽ chính vì khai thác máy tính và công nghệ thông tin quá tốt nên UA chẳng cần nhiều nhân viên.
Tôi cũng từng có kinh nghiệm check-in bằng máy tính nên không ngạc nhiên gì với thủ tục này.

Đại khái, hành khách chọn một cái máy, quét cái thẻ mastercard hay thẻ nào đó có tên của mình để máy biết mình tên họ là gì. Sau khi máy đã ghi nhận danh tính hành khách, việc kế tiếp là hành khách phải nhập các số liệu cần thiết như ngày tháng năm sinh, số vé điện tử, số giấy thông hành và ngày hết hạn, quốc tịch, có bao lăm hành lí cần gửi theo máy bay, v.v… Đoạn kế tiếp là hành khách sẽ tự mình chọn ghế ngồi. Để tiện việc chọn ghế, máy tự động hiện thị những hàng ghế trên máy bay, chỉ rõ ghế nào là cửa sổ và ghế nào là hành lang (aisle). Hành khách chỉ việc nhấn vào ghế trống là chọn ghế cho mình. Sau cùng, máy sẽ in ra cái boarding pass và thế là xong. Toàn bộ khâu check-in như thế tốn không đầy 5 phút. Nhanh chóng mà gọn nhẹ. Thật ra, hành khách có thể check-in qua internet ngay tại nhà mình trước khi ra phi trường. Hoan hô công nghệ thông tin!


Đối với những người thường đi máy bay và biết tiếng Anh thì việc check-in điện tử như thế là một tiện lợi. Nhưng tôi nghĩ đối với những người không rành tiếng Anh, hay những người rành tiếng Anh nhưng không đi máy bay thường xuyên thì chắc chắn sẽ có vấn đề. Thật vậy, tôi thấy có rất nhiều người Mĩ chạy ngơ ngác vì họ không biết ấn nút nào và cung cấp số liệu gì. Rắc rối hơn khi cái máy chết tiệt đó nó trở chứng không cho hành khách sửa thông tin thì càng làm cho hành khách rối loạn và hoang mang hơn nữa.
Riêng trường hợp tôi, khi đến phần chọn ghế thì máy nói là … hết ghế rồi! Trời, giỡn chơi à? Tôi có vé đàng hoàng, và máy cho tôi check-in mà. Tôi chờ để hỏi anh nhân viên thì anh này bấm cái gì đó một hồi và quay lại nói với tôi: ông phải lên cổng số 77 để biết số ghế của mình. Tại sao? Tại vì máy bay 747-400 chỉ chứa 347 hành khách, nhưng số người check-in nay là 366 người (19 người quá tải)! Trời ơi, Mĩ mà cũng có chuyện này à? Thấy cãi qua cãi lại với anh chàng này cũng như không nên tôi đành cầm cái boarding pass mà không có số ghế lên cổng 77.
Đến cổng 77 thì lại lòi thêm một thủ tục nữa: tất cả hành khách phải đến cổng 76 để được chứng nhận “OK to board”. Đến cổng 76 thì thấy người ta xếp hàng rồng rắn rồi. Chờ riết rồi cũng đến phiên mình. Tôi thấy nhân viên chỉ việc nhìn cái giấy thông hành (passport) và boarding pass rồi đóng con dấu “OK to board” chứ có làm gì đâu. Tôi nghĩ hoài mà không giải thích được tại sao họ cần cái thủ tục này.
Chờ lấy số ghế mà lòng cứ hồi hộp. Chẳng lẽ mình không may mắn đến nổi phải ngủ ở đây đêm nay? Ý nghĩ ngủ lại phi trường LAX cứ ám ảnh tôi mãi. Chỉ còn 5 phút nữa người ta boarding mà tôi vẫn chưa có số ghế. Bức xúc quá, tôi xông đến quầy thủ tục và đòi hỏi phải có số ghế cho tôi. Nhân viên bận lu bù, nhưng hẹn tôi 1 phút nữa sẽ giải quyết. Đúng 1 phút sau tôi quay lại thì họ yêu cầu tôi nâng cấp lên hạng vé với giá 147 USD thì sẽ có ghế ngồi. Tôi phản đối, không chịu nâng cấp, mà chỉ yêu cầu có số ghế và phải là ghế gần cửa sổ. Tôi nói tôi là khách hàng thường xuyên (frequent flyer) mà mấy ông đối xử với tôi như vậy hay sao? Họ hỏi số frequent flyer là số mấy? Tôi bực mình nói lớn: Làm sao tôi nhớ được, có bao lăm chuyện trên đời này tôi phải nhớ, chứ đâu phải con số này. “Ok, doctor. Bình tĩnh để tôi tìm cho”, họ nói. Khi tìm ra, họ lại nói: chớ chút. Trong khi đó thì hành khách đang lên máy bay. Quay ra phía sau nhìn, tôi thấy có đến khoảng 10 người cũng cùng hoàn cảnh với tôi, tức là không có số ghế! Nói cho ngay nhân viên bận túi bụi và cố gắng giúp hành khách chứ không vô cảm như ở Việt Nam. Cuối cùng thì họ cũng tìm cho tôi một ghế như tôi yêu cầu. Nhưng hàng chục người phải chuyển sang chuyến bay khác đi Nhật rồi từ đó nối chuyến sang Sydney. Chưa bao giờ tôi thấy United Airlines làm ăn bê bối và tồi tệ như thế này! Vẫn chưa hết giận, lấy số ghế xong, tôi nói cho cô ấy biết rằng hãng United Airlines của cô làm ăn bê bối quá, chụp giựt quá. Cô ấy chẳng cãi gì mà chỉ xin lỗi bằng câu: “Yes sir, I am sorry”. Thôi đến giờ lên máy bay rồi, cằn nhằn gì nữa. Lên máy bay. Ngồi xong tôi lại thấy hối hận là tại sao mình lại lớn tiếng với người ta và tại sao phàn nàn người ta khi mà cái hệ thống nó điều khiển từ trên. Tôi còn tham sân si quá!
Chờ một chút thì máy bay rời bến. Nhưng đến khi sắp cất cánh thì cơ trưởng cho biết phải quay trở lại bến! Trời ơi, chuyện gì đây? Cơ trưởng giải thích rằng Hải quan Mĩ họ phát hiện danh sách hành khách không ăn khớp với danh sách hành lí, nên họ yêu cầu quay máy bay lại để kiểm tra. Phải đến 30 phút mới kiểm tra xong và Hải quan cho rời bến. Nhưng cơ trưởng nói vì hồi nãy giờ gần 40 phút mà động cơ vẫn chạy nên ngốn khá nhiều xăng rồi, ổng sợ không đủ xăng bay đi Sydney, nên xin cho thêm 10 phút nữa để bơm xăng.
Chuyến bay về Sydney hết sức là nhạt nhẽo. Ghế thì chật hẹp. Chương trình entertainment thì chỉ có mấy cái phim hài vô duyên của Mĩ. Có được phim Indiana Jones cũng thú vị nhưng khổ thay cái microphone nó trở chứng không nghe được. Còn tiếp viên toàn mấy ông bà già 50 hay 60 tuổi (cũng chẳng sao) nhưng vấn đề họ chẳng biết chữ service có nghĩa gì. Họ hỏi mình ăn uống cái gì mà với điệu bộ hất hàm của họ tôi cứ tưởng họ ra lệnh cho mình chứ. Bà cụ ngồi bên cạnh tôi nói nhỏ: Sao tụi nó rude thế hả mày? Tôi cười nói: Mĩ mà bà! Nói vậy thôi chứ tôi nghĩ người Mĩ rất vui vẻ và lịch sự, chỉ có tôi không may mắn mới gặp mấy bà tiếp viên này thôi.

Món ăn thì chỉ có “chicken or beef”, không có lựa chọn nào cả. Mà, ngay cả hai món ăn đó chỉ nhìn qua cũng muốn nôn ói. Không hiểu sao người ta ăn được? Tôi thấy món rau luột chấm nước mắm kho quẹt chắc chắn còn ngon hơn 100 lần mấy món có những tên tiếng Tây tiếng U đó. May phước tôi đã chuẩn bị bánh mì và cơm tấm sẵn nên cũng có một bữa ăn (nguội) khá ngon trên máy bay. Vì bây giờ United Airlines bắt hành khách phải trả 6 USD cho mỗi lon bia hay một li rượu vang, nên tôi thấy rất ít hành khách uống bia hay rượu. Thử tưởng tượng một chuyến bay 14 tiếng đồng hồ, chỉ uống nước lạnh (chứ đâu dám uống nước ngọt của họ) thì nó nhạt nhẽo cỡ nào. Tôi nghĩ lần sau chắc tôi sẽ không chọn United Airlines để bay đi Mĩ nữa.


Cũng có phần yên ủi vì tôi ngồi bên cạnh một bà cụ tử tế. Bà có lẽ lần đầu tiên mới đi Mĩ nên bà cụ kể đủ thứ chuyện về nước Mĩ cho tôi nghe. Tôi cũng lịch sự ậm ừ cho bà vui lòng, chứ thú thực chẳng có chuyện gì hào hứng hay mới với tôi. Nói cho ngay có một người đồng hành như thế cũng đỡ buồn. Tôi giúp cho bà điền vào giấy hải quan vì bà mất cái kính lão nên không thấy con chữ. Tôi liên tưởng đến mình mai kia mốt nọ già như thế và chẳng biết có đọc được mấy con chữ nhỏ nhoi hay không ...
Về đến Sydney lúc 7 giờ sáng. Không có chuyện phải xịt hóa chất khử trùng trên máy bay (như các chuyến bay từ Á châu). Có lẽ vì chuyến bay từ Mĩ nên thủ tục hải quan rất đơn giản. Hành lí của tôi không hề bị khám xét gì cả (hoàn toàn khác với lần trước khi tôi đi từ Việt Nam về đây bị xét tơi tả). Đây là một bằng chứng khác cho thấy Hải quan Úc kì thị người Á châu và có thể đặc biệt kì thị các chuyến bay từ Việt Nam.

NVT
Xem thêm 
Nhật kí Los Angeles
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét