Với mình, sách là "một phần tất yếu của cuộc sống" (dù thỉnh thoảng mình vẫn xài e-reader và cả lê la trên mạng nhưng khó phủ nhận sự hiện diện cần thiết của sách lẫn cái phong vị riêng khi cầm cuốn sách trên tay), vì vậy đương nhiên phải có không gian cho sách.
Quan niệm của mình khi bố trí "chỗ ở" của sách là phải có tổ chức (gọn gàng, khoa học) và gần gũi với người sử dụng (thói quen sinh hoạt, gu thẩm mĩ, sở thích... của bản thân). Để không bị rơi vào tình trạng sách báo ngổn ngang bừa bãi, hoặc tìm mãi không ra cuốn đang cần đọc, mình thường sắp xếp sách như sau.
1. Tính toán số lượng sách và không gian hiện có. Nếu sách ít mà tủ sách quá rộng, giải pháp đơn giản là dùng đồ ngăn sách để giữ sách khỏi đổ, và trang trí tủ sách bằng các vật dụng làm đẹp hay đồ lưu niệm vào chỗ trống. Trong trường hợp sách nhiều mà không gian hạn chế, phải nghĩ cách sắp xếp hợp lí, tận dụng tối đa không gian, loại bớt một số sách không còn cần thiết, tất nhiên một giải pháp nữa là mua thêm hoặc cơi nới nhà ở cho sách.
2. Phân loại: mình thường phân theo chủ đề, chẳng hạn như sách văn học, sách kinh tế, sách chuyên môn, sách kiến thức phổ thông... Sau đó tiếp tục phân sách theo kích cỡ. Thường thì mình gom các sách cùng thể loại vào một khu vực và xếp từ cao đến thấp, tránh tình trạng nhấp nhô thiếu thẩm mĩ. Người Nhật cho sách cùng loại vào các hộp có dán nhãn và xếp dọc để tiết kiệm không gian - cũng là một cách rất hay, nhưng mình không thích làm vậy vì thường xuyên phải lấy sách ra vào, hơn nữa không phải cuốn sách nào cũng có kích cỡ như nhau. Một giải pháp nữa để tận dụng các khoảng không trong trường hợp các ngăn kệ quá cao là xếp sách nằm thay vì đứng, gáy sách vẫn quay ra ngoài để dễ lấy. Tuy nhiên xếp kiểu này thì từng chồng phải có độ dài bằng nhau mới đẹp được, và thường phù hợp với những sách lớn, bìa cứng.
3. Sắp xếp theo nhu cầu sử dụng: những sách thường xuyên được lấy ra đọc sẽ nằm bên ngoài, nằm ở ngăn gần tầm với. Sách ít dùng đương nhiên sẽ nằm ở nơi "hẻo lánh" hơn.
4. Đẹp khoe xấu che: Dĩ nhiên không ai muốn có một tủ sách ngồn ngộn tri thức nhưng lại dơ bẩn và xấu xí phát kinh lên. Có những cuốn sách cũ, đem bày lên kệ thì không đẹp tí nào, nhưng lại là sách quý không thể bỏ được (mà có khi phải lùng ở hàng sách cũ mới có), thì có thể để vào khu vực khó thấy hoặc có cánh tủ che lại. Các thể loại hồ sơ giấy tờ cũng nên được bảo quản trong các file và có chỗ ở riêng, vừa đẹp mắt lại vừa có hệ thống. Vệ sinh giá sách thường xuyên cũng là việc nên làm, không chỉ tạo một không gian sạch sẽ mà còn giúp sách có tuổi thọ cao hơn. Người đọc sách cũng nên có ý thức giữ gìn sách, nên có một hộp đựng các vật dụng chăm sóc sách như kéo, hồ dán, băng keo, bấm kim... để sửa chữa những hư hỏng tạm thời.
5. Những vật dụng linh tinh: Với những thứ đẹp mắt, có thể đem trưng bày trên kệ/tủ để trang trí. Nếu không gian hạn chế hoặc thấy không cần thiết bày biện, hãy gom những thứ linh tinh như đồ lưu niệm, bộ sưu tập, các thể loại postcard... vào những hộp riêng để lưu trữ.
6. Đừng biến tủ sách thành một không gian chết, nhất là nơi thường xuyên ngồi làm việc. Ngay cả khi không gian hạn chế, vẫn có thể tạo sự sống động cho ngôi nhà của sách bằng một bình hoa lá nho nhỏ, hay những chiếc ly thả hoa xinh xắn.
7. Có thể cho sách cư ngụ ở những căn phòng khác nhau tùy theo mục đích và người sử dụng. VD: sách riêng của mỗi thành viên trong gia đình nên ở khu vực làm việc, học tập; sách nấu ăn/chăm sóc nhà cửa... có thể chiếm một ngăn trên tủ bếp... Lại còn có sách để đầu giường đọc trước khi đi ngủ nữa chứ, hãy sắm một chiếc kệ tí hon xinh xinh lưu trữ vài ba quyển sách và luân phiên thay đổi theo nhu cầu.
8. Mục đích lớn nhất của việc lưu trữ sách là để đọc khi cần thiết, vì vậy nó phải tiện dụng. Ngoài việc sắp xếp hợp lí, nên bố trí những vật dụng hỗ trợ việc đọc. VD: không phải cuốn sách nào cũng có dải lụa ngăn trang, nên mình treo một tấm ngăn trang bé xinh trên kệ sách, vừa để trang trí vừa để dùng khi cần.
9. Một chút phong thủy cho những ai quan tâm đến vấn đề này: cây xanh tạo sinh khí cho nơi đọc sách nhưng không nên đặt quá nhiều cây và nên tránh những loại cây có gai.
9. Một chút phong thủy cho những ai quan tâm đến vấn đề này: cây xanh tạo sinh khí cho nơi đọc sách nhưng không nên đặt quá nhiều cây và nên tránh những loại cây có gai.
Và cuối cùng là một chút hình ảnh về không gian sách ở nhà mình. Vì nhà không được rộng lắm nên mình thường phải để kín sách trên kệ hoặc tủ, tuy nhiên mình vẫn trang trí điểm xuyết nho nhỏ để không tạo cảm giác quá bề bộn và nhàm chán. Ở nhà mình thì tủ sách gia đình, tủ bếp, tủ áo đều cao đến trần hết, vừa để tận dụng không gian vừa tránh làm nơi lưu trú của bọn nhện. Riêng kệ sách và bàn làm việc của mình thì còn liên kết với tủ áo thành một hệ thống hoàn chỉnh để phòng gọn gàng hơn.
Tủ sách gia đình |
Kệ sách của con gái |
Kệ sách đi liền với bàn làm việc của mình |
Hoa làm duyên cho sách |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét